Thông báo do Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) đưa ra hôm 14/9, dưới dạng Lệnh hủy bỏ (WRO), trên thực tế không phải là lệnh cấm nhập khẩu, nhưng hàng hóa bị thuộc dạng WRO sẽ bị trả về hoặc tiêu hủy nếu CBP xác định chúng được sản xuất bởi lao động bị cưỡng bức.
"Đây không phải là WRO đầu tiên mà Mỹ ban hành đối với hàng hóa Trung Quốc và tôi có thể hoàn toàn tự tin rằng đây cũng không phải những lệnh cấm cuối cùng", ủy viên CBP Mark Morgan nói.

Công nhân sơ chế bông vừa thu hoạch tại nhà máy ở Aksu, Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, Trung Quốc, ngày 1/12/2015. Ảnh: Reuters.
Quy định mới áp dụng cho tất cả sản phẩm bông được "sản xuất và chế biến" bởi Công ty Bông và Vải lanh Tân Cương Junggar, quần áo của Công ty Sản xuất Hàng may mặc Yili Zhuowan, Công ty Thương mại và Kinh doanh Baoding LYSZD, cả hai đều ở Tân Cương.
Ngoài ra, các sản phẩm bị hạn chế khác bao gồm linh kiện máy tính do Công ty Công nghệ Thông tin Hefei Bitland sản xuất ở tỉnh An Huy và các sản phẩm tóc sản xuất tại Khu công nghiệp Sản phẩm tóc huyện Lop, Tân Cương.
WRO mới cũng áp dụng cho "tất cả các sản phẩm" được làm bởi các lao động từ Trung tâm Giáo dục và Đào tạo Kỹ năng Nghề số 4 huyện Lop, một trong những cơ sở mà cơ quan nhân quyền Liên Hợp Quốc cho rằng là một trong các trại tập trung gồm khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ và người dân tộc thiểu số Hồi giáo khác ở Tân Cương.
Khoảng 85% bông của Trung Quốc được sản xuất tại Tân Cương, theo dữ liệu của chính phủ Mỹ và các phương tiện truyền thông địa phương. Mỹ đã nhập khẩu hàng dệt may trị giá 50 tỷ USD từ Trung Quốc trong năm 2019.
Quyền thứ trưởng Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) Kenneth Cuccinelli cho rằng với hành động này, DHS đang chống lại một loại hình "nô lệ hiện đại" được Trung Quốc sử dụng để sản xuất hàng hóa, sau đó nỗ lực nhập khẩu vào Mỹ. "Khi Trung Quốc nỗ lực xuất khẩu các mặt hàng này vào chuỗi cung ứng của chúng tôi, điều đó cũng gây bất lợi cho người lao động và doanh nghiệp Mỹ".
Trước cáo buộc đưa người Duy Ngô Nhĩ và người dân tộc thiểu số Hồi giáo vào các trại tập trung, Trung Quốc khẳng định các cơ sở là "trung tâm đào tạo nghề" và họ đang phản ứng hợp pháp với mối đe dọa từ chủ nghĩa tôn giáo cực đoan.
Tổng thống Mỹ Trump tháng trước ký ban hành Đạo luật Chính sách Nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ, trong đó kêu gọi trừng phạt những người chịu trách nhiệm giam hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm Hồi giáo khác ở Tân Cương, gồm Bí thư đảng ủy Tân Cương Trần Toàn Quốc.
Bắc Kinh từng nhiều lần cảnh báo sẽ hành động trả đũa nếu ông Trần bị nhắm mục tiêu trừng phạt, gọi các động thái của Washington về Tân Cương là "can thiệp thô bạo" vào vấn đề nội bộ của nước này.
Mai Lâm (Theo SCMP)