"Điều quan trọng là đất nước này không sử dụng các ứng dụng được tạo ra tại Trung Quốc hoặc những ứng dụng có thể lấy dữ liệu của chúng tôi rồi đưa đến các máy chủ ở Trung Quốc", Cố vấn Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro trả lời phỏng vấn hôm 31/8, thêm rằng dữ liệu này sẽ được sử dụng để "giám sát và theo dõi" người Mỹ.
"Và đó thực sự là quan điểm chính sách cơ bản cho lý do chúng tôi cấm TikTok, WeChat, và sẽ có thêm những ứng dụng khác bởi Trung Quốc về cơ bản đang vươn ra khắp thế giới để cố giành lấy công nghệ và ảnh hưởng", Navarro nói thêm.
Giữa lúc căng thẳng Mỹ - Trung leo thang, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6/8 ký sắc lệnh cấm các công ty Mỹ giao dịch với ứng dụng chia sẻ video TikTok. Lệnh cấm có hiệu lực sau 45 ngày. Ngày 7/8, Trump ký sắc lệnh không cho phép các công ty Mỹ làm ăn với Tencent, chủ sở hữu WeChat.
Một tuần sau, ông tiếp tục ký lệnh hành pháp riêng cho ByteDance, công ty sở hữu TikTok, yêu cầu công ty phải thoái vốn hoạt động sau 90 ngày tại Mỹ, cũng như xóa mọi dữ liệu của người Mỹ mà TikTok đã thu thập từ trước đến nay. Các công ty Mỹ như Microsoft, Oracle và Twitter đang là các "ứng viên" mua lại TikTok.
Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng nói Mỹ muốn cấm các ứng dụng Trung Quốc "không đáng tin cậy" trên kho ứng dụng của các nhà mạng và hãng sản xuất điện thoại di động tại nước này. Ông cũng tuyên bố Washington muốn ngăn ứng dụng Trung Quốc được cài đặt sẵn hoặc cho phép tải về điện thoại và thiết bị không dây do các hãng Trung Quốc như Huawei sản xuất.
Trump tháng trước xác nhận rằng Nhà Trắng đang xem xét cấm thêm các công ty Trung Quốc đại lục. "Chúng tôi đang xem xét điều này, đúng vậy", Tổng thống Mỹ Donald Trump nói trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng sau khi được phóng viên hỏi liệu ông có xem xét áp thêm lệnh cấm nhằm vào một số tập đoàn lớn của Trung Quốc như Alibaba hay không.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân cho rằng cơ sở an ninh quốc gia mà Mỹ sử dụng để "đàn áp các công ty Trung Quốc" là "không có căn cứ", nhấn mạnh doanh nghiệp Trung Quốc tiến hành hoạt động kinh doanh theo quy tắc quốc tế và luật pháp Mỹ.
Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 31/8, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên chỉ trích các hành động gần đây của Mỹ, nói rằng đó là "thủ đoạn bắt nạt kinh tế và thao túng chính trị".
TikTok hôm 24/8 đệ đơn kiện chính phủ Mỹ, lập luận rằng sắc lệnh hành pháp của Trump tước đi quyền của công ty trong việc chứng minh họ không chia sẻ dữ liệu với chính phủ Trung Quốc, cũng như không phải là mối đe dọa an ninh quốc gia.
Huyền Lê (Theo SCMP)