"Chúng tôi đang xem xét điều này, đúng vậy", Tổng thống Mỹ Donald Trump nói trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 15/8, sau khi được phóng viên hỏi liệu ông có xem xét áp thêm lệnh cấm nhằm vào một số tập đoàn lớn của Trung Quốc như Alibaba hay không.
Alibaba hiện là hãng bán lẻ và thương mại điện tử lớn nhất thế giới, cũng nằm trong danh sách những tập đoàn Internet và trí tuệ nhân tạo (AI) lớn nhất. Doanh thu và lợi nhuận của Alibaba đã vượt qua tổng doanh thu của toàn bộ các nhà bán lẻ Mỹ, trong đó có cả Walmart, Amazon và eBay kể từ năm 2015. Tập đoàn này đã đạt doanh thu 72 tỷ USD trong năm nay.
Ông chủ Nhà Trắng gần đây liên tục gia tăng áp lực nhằm vào nhiều tập đoàn công nghệ và ứng dụng Trung Quốc. Washington lo ngại khả năng các ứng dụng này thu thập dữ liệu người dùng và bị Bắc Kinh sử dụng cho mục đích bất chính, đe dọa an ninh quốc gia Mỹ.
Trump hôm 6/8 ký sắc lệnh cấm mọi cá nhân, tổ chức nằm trong quyền xét xử của Mỹ giao dịch với ByteDance, chủ sở hữu TikTok, và Tencent, chủ sở hữu của WeChat, sau 45 ngày tới nhằm "bảo vệ an ninh quốc gia".
Trước đó vài ngày, ông nói TikTok có 45 ngày để đạt thỏa thuận thoái vốn, yêu cầu chủ sở hữu ByteDance bán cổ phần và hoạt động của TikTok tại Mỹ cho Microsoft hoặc một công ty nào đó, nếu không mạng xã hội này sẽ phải rút khỏi Mỹ từ ngày 15/9.
Ngoại trưởng Mike Pompeo nói Mỹ muốn cấm các ứng dụng Trung Quốc "không đáng tin cậy" trên cửa hàng ứng dụng của các nhà mạng và hãng sản xuất điện thoại di động tại nước này. Ông cũng tuyên bố Washington muốn ngăn ứng dụng Mỹ được cài đặt sẵn hoặc cho phép tải về điện thoại hoặc thiết bị không dây do các hãng Trung Quốc như Huawei sản xuất.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân hồi đầu tháng nói rằng cơ sở an ninh quốc gia mà Mỹ sử dụng để "đàn áp các công ty Trung Quốc" là "không có căn cứ", nhấn mạnh doanh nghiệp Trung Quốc tiến hành hoạt động kinh doanh theo quy tắc quốc tế và luật pháp Mỹ.
Vũ Anh (Theo Reuters)