Bình thường, các công ty như ByteDance, Microsoft, Walmart hay Oracle vẫn được coi là vua trong lĩnh vực của họ. Nhưng cuối tuần qua, thực tế cho thấy họ hoàn toàn có thể trở thành một thứ khác: Những con tốt trên bàn cờ.
Những gã khổng lồ này đang bị vướng vào một cuộc đối đầu ăn miếng trả miếng ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến thương vụ bán lại hoạt động của TikTok tại Mỹ. Đây là một ứng dụng mạng xã hội chia sẻ các video ngắn nổi tiếng thuộc sở hữu của công ty ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc.
Tổng thống Donald Trump hồi đầu tháng 8 yêu cầu ByteDance phải bán lại mọi hoạt động của TikTok ở Mỹ cho một công ty Mỹ với lý do TikTok là mối đe dọa an ninh quốc gia vì có liên hệ với Trung Quốc.
Suốt nhiều tuần, Trung Quốc liên tục chỉ trích yêu cầu từ Tổng thống Trump, nhưng vẫn im lặng về việc họ sẽ làm gì với TikTok. Điều này cho phép ByteDance và TikTok theo đuổi các cuộc đàm phán mua bán với Microsoft, Walmart, Oracle và các công ty Mỹ khác.
Đến hôm 28/8, Bắc Kinh khiến tất cả các bên bất ngờ khi cập nhật quy định kiểm soát xuất khẩu, bao gồm cả một số công nghệ quan trọng của TikTok. Động thái trên là lời tuyên bố từ chính phủ Trung Quốc rằng họ hoàn toàn có thể sử dụng quyền lực của mình để trì hoãn hoặc cắt đứt bất kỳ thỏa thuận nào vào phút chót.
Giờ đây, một thương vụ bom tấn đang chờ ngày hoàn tất sẽ trở nên phức tạp hơn rất nhiều, theo ba nguồn tin am hiểu vấn đề.
Hai nhóm tranh giành quyền mua lại hoạt động của TikTok ở Mỹ, một là liên minh Microsoft - Walmart và nhóm kia do Oracle dẫn đầu, đang thảo luận về cách giải thích các quy định kiểm soát xuất khẩu mới mà Trung Quốc vừa ban hành, cũng như cách làm thế nào để tiếp tục thúc đẩy thương vụ. Đồng thời, bên mua đang cân nhắc kỹ lưỡng hơn các đề nghị và điều chỉnh chúng như một phần trong quá trình thương lượng.
"Rõ ràng thương vụ này và ngành công nghệ cao nói chung đang bị chính trị hóa và chúng ta không có cách nào thoát khỏi nó", Scott Kennedy, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận xét và thêm rằng với tình hình như hiện nay "các công ty bình thường chắc chắn sẽ bị mắc kẹt ở giữa".
Samm Sacks, chuyên gia về chính sánh mạng tại viện chính sách New America, nhận định chính quyền Trump nhiều khả năng sẽ có hành động đáp trả động thái mới nhất từ phía Trung Quốc và điều này sẽ đặt các công ty Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc vào vị thế bấp bênh hơn. "Đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm", bà nói.
"Chúng tôi đang nghiên cứu các quy định mới được chính quyền Trung Quốc công bố hôm 28/8", Erich Andersen, cố vấn của ByteDance, cho biết trong một thông báo. "Như mọi giao dịch xuyên biên giới khác, chúng tôi sẽ tuân thủ các điều luật hiện hành, trong trường hợp này là bao gồm cả luật Mỹ và luật Trung Quốc".
Tại Washington ngày 31/8, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ mới của Trung Quốc được nhiều người mô tả là "liều thuốc độc" cho thương vụ mua lại TikTok. Nếu Trung Quốc có động thái ngăn cản thương vụ, điều đó có thể khiến chính quyền Trump phản ứng gay gắt hơn, tiếp tục khoét sâu căng thẳng giữa đôi bên.
Chính quyền Trump gần đây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hàng chục công ty Trung Quốc với cáo buộc đe dọa an ninh hay vi phạm nhân quyền. Mỹ còn dọa sẽ thực hiện nhiều biện pháp hơn nhằm ngăn các công ty công nghệ Trung Quốc như Alibaba hay Baidu làm ăn tại Mỹ.
Peter Navarro, cố vấn thương mại Nhà Trắng có lập trường cứng rắn với Trung Quốc, hôm qua nói trong một cuộc phỏng vấn rằng "điều quan trọng" là người dân Mỹ không sử dụng các ứng dụng do Trung Quốc xây dựng bởi Bắc Kinh có thể dùng chúng để theo dõi, giám sát hay thậm chí là "tống tiền" người Mỹ.
"Đây thực sự là quan điểm chính sách đằng sau việc chúng tôi gây sức ép với TikTok, WeChat và nhiều công ty tiếp theo, bởi Trung Quốc về cơ bản đang kiểm soát công nghệ và gây ảnh hưởng khắp thế giới", ông cho hay. "Đất nước này và Tổng thống Trump, tổng thống cứng rắn nhất với Trung Quốc trong lịch sử Mỹ, sẽ không chấp nhận điều đó".
Theo một phân tích của Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - Trung, các quy định mới về kiểm soát xuất khẩu của Trung Quốc tác động tới hai công nghệ tối quan trọng với TikTok là công nghệ phân tích dữ liệu người dùng để đưa ra các gợi ý nội dung mang tính cá nhân hóa và công nghệ chi phối những tương tác giữa người dùng với trí tuệ nhân tạo.
Muốn chuyển giao những công nghệ này cho các đối tác bên ngoài Trung Quốc, bên xuất khẩu cần nhận được giấy phép từ sở thương mại tỉnh của họ, quy trình có thể mất tới 45 ngày làm việc. ByteDance cho biết họ sẽ tuân thủ những quy định mới.
Trung Quốc đưa ra quy định mới về kiểm soát xuất khẩu công nghệ giữa lúc thương vụ bán TikTok sắp đi đến hồi kết sau nhiều tuần đàm phán. Ban đầu, một liên minh gồm các công ty công nghệ, trong đó có Walmart, Alphabet, công ty mẹ của Google, và SoftBank, cố gắng đưa ra đề nghị mua lại TikTok. Tuy nhiên, nỗ lực này không thành công.
Walmart sau đó liên kết cùng Microsoft, trong khi Alphabet rời cuộc chơi. Giờ đây, cuộc đua đang diễn ra sôi động giữa liên minh Microsoft-Walmart và Oracle. Cả hai đều tiếp tục theo đuổi thương vụ bất chấp các quy định mới do Trung Quốc ban hành.
Theo Matt Perault, phó giáo sư tại Trung tâm Chính sách Khoa học và Công nghệ Đại học Duke, Mỹ và Trung Quốc từng chính trị hóa các thương vụ khác trong quá khứ, bao gồm cả vụ Qualcomm mua lại công ty sản xuất chất bán dẫn NXP, Hà Lan. Năm 2018, Qualcomm chấm dứt theo đuổi thỏa thuận sau khi Bắc Kinh không cấp phê duyệt chống độc quyền cho việc mua lại các hoạt động của NXP tại Trung Quốc.
Perault cho rằng thương vụ TikTok đặc biệt khó khăn bởi Mỹ đang đứng trước thềm cuộc bầu cử tổng thống và Trump đã coi kiềm chế Trung Quốc là một mục tiêu quan trọng trong chiến lược tái tranh cử của mình. Mặt khác, ByteDance còn là một trong những đối thủ cạnh tranh mạnh nhất đối với các công ty công nghệ Mỹ.
"Hành động chính trị hóa đang mang đến tác động tức thì", Perault bình luận và thêm rằng mức độ chính trị hóa thương vụ TikTok hiện nay là "chưa từng thấy".
Vũ Hoàng (Theo NYTimes)