Tổng thống Mỹ Joe Biden và các quan chức cấp cao Nhà Trắng vài ngày qua liên tục đưa ra những "thông tin tình báo đáng tin cậy" rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định sẽ tấn công vào Ukraine và chiến dịch quân sự có thể diễn ra "trong vài ngày tới".
Giới quan sát cho rằng chính quyền Biden đang áp dụng chiến lược "rung cây dọa khỉ" bằng cách công bố thông tin tình báo về kịch bản xấu nhất cùng với những hậu quả nghiêm trọng của nó, nhằm răn đe Nga có hành động quân sự với Ukraine và ngăn một cuộc chiến tổng lực nổ ra ở châu Âu.
"Nếu Nga không tấn công Ukraine, chúng tôi sẽ cảm thấy nhẹ nhõm khi Moskva đổi hướng và chứng minh dự đoán của chúng tôi là sai", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 17/2.
Biden và các trợ lý hàng đầu thừa nhận họ đang mạo hiểm uy tín của Mỹ khi nhắc đi nhắc lại cảnh báo rằng "chỉ trong vài ngày nữa", Nga sẽ gây ra cuộc chiến tranh ở châu Âu, có thể khiến hàng chục nghìn người Ukraine thiệt mạng ngay trong những giờ đầu tiên và đẩy thế giới trở lại tình cảnh giống như Chiến tranh Lạnh.
Nhưng các trợ lý của Biden nói rằng họ sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Họ thà bị chỉ trích là phóng đại và gieo rắc nỗi sợ hơn được chứng minh là đúng, nếu đó là những gì cần thiết để ngăn Putin theo đuổi một chiến dịch quân sự mà họ lo lắng không chỉ dừng lại ở biên giới Ukraine.
"Đó sẽ là một kết quả tốt hơn nhiều con đường mà chúng tôi đang đi. Chúng tôi sẵn sàng chấp nhận bất kỳ lời chỉ trích nào mà bất cứ ai nhắm vào chúng tôi", Blinken nói. "Tôi ở đây hôm nay không phải để bắt đầu một cuộc chiến, mà để ngăn chặn nó".
Biden và Blinken không che giấu nỗi hoài nghi rằng những nỗ lực cuối cùng để ngăn chặn thảm họa có thể thất bại. Nỗi bi quan của giới chức Mỹ càng tăng thêm khi căng thẳng tiếp tục leo thang trong hai ngày qua.
Lực lượng ly khai ở khu vực Donbass bị chính quyền Kiev cáo buộc đứng sau vụ pháo kích một trường học trong vùng, nhưng sau đó họ tuyên bố bị lực lượng Ukraine pháo kích.
Phe ly khai ở Donbass hôm qua tuyên bố tiến hành chiến dịch sơ tán hàng loạt dân thường sang lãnh thổ Nga, với lo ngại quân đội Ukraine có thể sắp mở một chiến dịch tấn công. Loạt vụ nổ cũng đã được ghi nhận ở Lugansk và Donetsk, hai thành phố ly khai vùng Donbass.
Đây là kịch bản là Blinken lo ngại khi cảnh báo những sự cố như thế này có thể tạo thành cớ chiến tranh.
Nga xác nhận đã trục xuất phó đại sứ Mỹ ở Moskva và gửi cho Washington một tài liệu 10 trang trả lời về phản hồi của Mỹ với 8 đề xuất an ninh mà Điện Kremlin đưa ra. Trong tài liệu, Nga chế giễu cáo buộc họ có ý định tấn công Ukraine, nhưng cảnh báo sẽ sử dụng "biện pháp kỹ thuật, quân sự" nếu phương Tây không đáp ứng các yêu cầu an ninh của mình.
Hiện không rõ "biện pháp kỹ thuật quân sự" này là gì, nhưng giới chức ở Washington cho rằng đây có thể là những hành động như tấn công mạng, đưa vũ khí hạt nhân đến gần Tây Âu hoặc Mỹ.
Trong khi Biden nhấn mạnh "mọi dấu hiệu mà chúng tôi có là họ sẵn sàng tiến vào Ukraine", ngày càng nhiều nhà ngoại giao và lãnh đạo nói điều tốt nhất họ có thể hy vọng là Nga sẽ không tấn công, mà chỉ có một đợt dàn quân trong thời gian dài ở biên giới Ukraine. Theo kịch bản đó, Putin có thể làm mọi thứ trừ điều quân qua biên giới và không phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt từ phương Tây.
"Ông ấy thích kịch bản này", Douglas Lute, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia và cựu đại sứ Mỹ tại NATO, nói. "Mọi người đều phải chú ý tới ông ấy, điều mà họ không làm suốt nhiều năm. Putin sẽ cảm thấy mình đang kiểm soát được tình hình".
Tuy nhiên, đằng sau hậu trường, các trợ lý của Biden đang tìm kiếm những bằng chứng từ bình luận của Putin cho thấy "lãnh đạo Nga có thể đã mắc sai lầm khi đẩy căng thẳng lên quá cao". Cuộc điều động quân của Putin đã giúp NATO, liên minh gồm 30 thành viên, trở nên đoàn kết hơn, thay vì chia rẽ và mâu thuẫn như những gì Moskva kỳ vọng.
Hành động điều quân của Putin đã tiếp thêm sinh lực cho NATO, sau nhiều năm liên minh quân sự này mông lung về mục đích vì mất đi đối thủ để kiềm chế là Liên Xô. Bây giờ, mục tiêu ngăn chặn của NATO đã trở lại. Phần lớn các đồng minh châu Âu đã sẵn sàng ủng hộ kế hoạch trừng phạt, sẽ ngừng cung cấp công nghệ cho ngành công nghiệp Nga và loại các ngân hàng hàng đầu của nước này khỏi thị trường tài chính thế giới.
Dù lãnh đạo Nga đã nỗ lực để bảo vệ nền kinh tế khỏi tác động của lệnh trừng phạt, Tổng thống Putin nhiều khả năng sẽ khai thác các vết nứt trong cuộc khủng hoảng mà không gây tổn hại cho nền kinh tế của ông.
Biden tiếp tục tận dụng thực tế rằng đây là cuộc khủng hoảng địa chính trị lớn đầu tiên xảy ra trong một thế giới có nguồn tình báo mở, để dễ dàng thu hút sự chú ý đến những động thái của Nga.
Hình ảnh vệ tinh của Maxar cho thấy Putin thực sự điều động hơn 100.000 quân cùng nhiều xe tăng, tên lửa ở xung quanh biên giới Ukraine. Tuy nhiên, điều mà mọi người chưa biết ở đây là ông Putin dự định làm gì với lực lượng này.
Ban đầu, giới chức Mỹ cho rằng lãnh đạo Nga muốn gây sức ép với chính phủ Ukraine, buộc họ phải từ bỏ tham vọng gia nhập NATO và ngừng ngả về phương Tây. Tuy nhiên, sau khi đưa ra đề xuất giảm căng thẳng vào tháng 12/2021, Putin dường như ấp ủ kế hoạch lớn hơn: đẩy lực lượng Mỹ và NATO ra khỏi các quốc gia từng thuộc Liên Xô và hiện là thành viên liên minh, khôi phục trật tự thế giới đã được thiết lập sau khi Liên Xô tan rã cách đây 31 năm.
Hai tuần trước, đánh giá của Mỹ lần nữa thay đổi. Quan chức quân sự và tình báo Mỹ nói Putin đang nhắm vào Kiev sau khi kết luận rằng các cuộc tấn công mạng và phá hoại không đủ giúp thay đổi chính phủ Ukraine, mà cần một cuộc tấn công tổng lực.
Chính quyền Biden đang muốn tìm hiểu điều Putin thực sự muốn. Nếu vấn đề có thể giải quyết bằng cách đàm phán một hiệp ước kiểm soát vũ khí mới, giúp xoa dịu những lo ngại của Putin về hai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Ba Lan và Romania, hay quy tắc cho các cuộc tập trận mà Nga và NATO tổ chức, họ vẫn có khả năng đạt thỏa thuận.
Ngoài ra, thỏa thuận Minsk, gồm hàng loạt cam kết giữa Ukraine và Nga về xung đột ở vùng Donbass, vẫn có thể đàm phán lại. Nhiều cam kết trong thỏa thuận đã bị cả hai bên phớt lờ và tìm cách diễn giải theo hướng có lợi cho mình.
Nhưng nhiều quan chức Mỹ và châu Âu dường như khó tin rằng tất cả những động thái gần đây của Putin chỉ để khuấy động trật tự hiện có. Putin muốn đảo ngược nó, theo David E. Sanger, nhà phân tích của CNN.
Kể từ khi Putin lên nắm quyền 20 năm trước, "Nga đã thách thức hệ thống đó", Angela Stent, học giả Viện Brookings, chia sẻ trong bài viết gần đây trên Foreign Affairs. "Cuộc khủng hoảng hiện tại dường như liên quan tới Nga muốn vẽ lại bản đồ thế giới hậu Chiến tranh Lạnh và tìm cách tái khẳng định ảnh hưởng với một nửa châu Âu, dựa trên tuyên bố muốn đảm bảo an ninh của chính họ".
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa cuộc khủng hoảng không còn lối thoát.
Trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, lãnh đạo Nga Nikita S. Khrushchev cuối cùng đã rút tên lửa về nước để đổi lấy lời hứa bí mật mà tổng thống Mỹ John F. Kennedy thực hiện vài tháng sau đó, đưa tên lửa Jupiter của Mỹ khỏi Thổ Nhĩ Kỳ, vị trí mà đầu đạn hạt nhân của nó có thể dễ dàng chạm tới lãnh thổ Liên Xô.
Khi Blinken ngày 17/2 đưa ra lời đề nghị gặp người đồng cấp Nga ở châu Âu vào cuối tuần tới và tập hợp "hội nghị các lãnh đạo chủ chốt để đạt được hiểu biết chung về lo ngại an ninh của chúng ta", Mỹ dường như đang tìm kiếm một kịch bản tương tự cuộc khủng hoảng tên lửa năm 1962.
Biden đã khá quen thuộc với chiến thuật trao đổi như vậy. Ông có lẽ là chính trị gia cuối cùng còn tại nhiệm ở Washington từng đóng vai trò quan trọng trong các cuộc tranh luận về các hiệp ước kiểm soát vũ khí ký với Liên Xô, gồm SALT I và SALT II.
Trong cuộc họp báo hồi tháng 1, Biden từng lưu ý rằng Ukraine khó có thể sớm được kết nạp vào NATO, dấu hiệu cho thấy yêu cầu của Moskva có thể thương lượng được. Nhưng một quan chức cấp cao ngày 17/2 nói cho tới tuần sau, mọi thứ có thể đã quá muộn.
Xem thêm:
- 5 câu hỏi về khủng hoảng Ukraine
- Bốn tháng khủng hoảng Nga - Ukraine sục sôi
- Vì sao Nga không động binh với Ukraine?
- Mỹ muốn gì trong khủng hoảng Ukraine?
Thanh Tâm (Theo NY Times)