"Mỹ dành nhiều tháng để chuẩn bị một nghị quyết nhằm tung đòn đánh vào Iran, nhưng nó chỉ nhận được một phiếu ủng hộ. Âm mưu của họ đã thất bại một cách đáng xấu hổ", Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói trên truyền hình hôm 15/8.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 14/8 bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết gia hạn lệnh cấm vận vũ khí nhằm vào Tehran do Washington đề xuất. Mỹ và Cộng hòa Dominica bỏ phiếu thuận, Nga và Trung Quốc bỏ phiếu chống, trong khi các quốc gia khác bỏ phiếu trắng.
Theo dự thảo nghị quyết được Mỹ đưa ra, lệnh cấm vận vũ khí với Iran sẽ được gia hạn "cho đến khi Hội đồng Bảo an có quyết định khác". Dự thảo cần 9 phiếu thuận để được thông qua, và ngay cả khi có đủ số phiếu này, nó vẫn có thể bị Nga và Trung Quốc phủ quyết.
Cố vấn An ninh Nhà Trắng Robert O'Brien cho biết phản ứng của Anh, Pháp và Đức là "đáng thất vọng nhưng không bất ngờ". "Chúng tôi đã thua hôm nay, nhưng nó vẫn chưa phải kết thúc", quan chức Mỹ nói trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình hôm 14/8.
Tổng thống Mỹ Donald Trump sau đó cảnh báo Washington có thể gia hạn lệnh cấm vận đơn phương nhằm vào Tehran.
Từ năm 2006 đến 2010, Hội đồng Bảo an đã thông qua ba nghị quyết cấm xuất khẩu công nghệ liên quan tới hệ thống vận chuyển vũ khí hạt nhân tới Iran, cấm Tehran xuất khẩu vũ khí, cũng như cấm các nước bán vũ khí thông thường cho quốc gia này.
Điều khoản quy định thời hạn ngừng cấm vận vũ khí với Iran được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đưa ra trong Nghị quyết 2231, như một phần của Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA), thỏa thuận được ký hồi năm 2015 giữa Iran và 6 cường quốc Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Đức và Anh. Theo đó, Tehran đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lấy nới lỏng các lệnh trừng phạt.
Các lệnh cấm vận vũ khí với Iran sẽ hết hiệu lực vào ngày 18/10.
Vũ Anh (Theo Reuters)