Động thái này giúp mở rộng điều kiện tiêm liều tăng cường cho tất cả công dân Mỹ 18 tuổi trở lên, thực hiện cam kết trước đó của Tổng thống Joe Biden. Chương trình được triển khai ở 10 bang. Nếu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cũng chấp thuận, tất cả người trưởng thành tại Mỹ đã tiêm hai mũi vaccine Moderna và Pfizer ít nhất 6 tháng trước sẽ được tiêm liều tăng cường.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đưa ra quyết định này vì lo ngại hiệu quả của vaccine suy yếu trong mùa đông sẽ dẫn đến làn sóng nhiễm nCoV đột phá. Trước đó, Mỹ chỉ chấp nhận tiêm liều tăng cường cho người từ 50-64 tuổi mắc bệnh nền, người từ 18 tuổi trở lên có bệnh nền, đang sống tập trung tại các cơ sở chăm sóc dài hạn hoặc làm việc ở môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao.
Dựa trên kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 với hơn 10.000 tình nguyện viên, Pfizer cho biết tiêm liều vaccine tăng cường hiệu quả 95% ngăn ngừa nhiễm nCoV có triệu chứng trong bối cảnh biến thể Delta lây lan. Hãng đã yêu cầu cơ quan quản lý cấp phép liều vaccine tăng cường cho tất cả người trưởng thành. Moderna có động thái tương tự.
Trong tháng qua, tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ không ngừng bảo vệ quan điểm về tiêm vaccine tăng cường cho người trưởng thành. Ông nhận định mức độ kháng thể ở người đã tiêm đầy đủ suy giảm theo thời gian.
Nghiên cứu vào tháng 9 của CDC Mỹ cho thấy tác dụng chống lây nhiễm nCoV của vaccine giảm từ 92% xuống còn 75% trong khoảng từ 5 đến 7 tháng sau tiêm. Nghiên cứu tháng 11, công bố trên tạp chí Science chỉ ra rằng hiệu quả chống nhiễm virus ở các cựu binh quân đội giảm từ 88% xuống 48% kể từ tháng 2 đến tháng 10 năm nay.
Trích dẫn dữ liệu từ Israel, Eric Topol, Giám đốc Viện Nghiên cứu Scripps ở La Jolla, California, cho biết liều vaccine tăng cường làm giảm nguy cơ nhiễm nCoV có triệu chứng và giảm khả năng tử vong ở người từ 40 tuổi trở lên. "Liều tăng cường hiệu quả cao ngăn ngừa lây nhiễm. Đó là cách chúng ta phá vỡ chuỗi lây truyền nCoV", ông nói.
Dù vậy, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng Mỹ nên tập chung vào chương trình tiêm chủng chính, tức là tiêm đủ hai liều vaccine cho càng nhiều người càng tốt, thay vì vội vàng triển khai liều tăng cường. Họ chỉ ra rằng các ca nhiễm cộng đồng hiện nay chủ yếu là người chưa tiêm chủng.
"Mục tiêu là giảm số ca nhiễm nặng, nhập viện và tử vong. Chúng ta thậm chí chưa đạt được cột mốc đó. Đây mới là điều cần tập trung vào", Celine Gounder, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Bệnh viện Bellevue ở New York, nhận định.
Bất chấp các tranh luận của giới khoa học, nhiều địa phương đã chủ động mở rộng điều kiện tiêm vaccine tăng cường dù chưa có sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhằm ngăn chặn làn sóng Covid-19 mùa thu đông.
Thục Linh (Theo NY Times, WSJ)