Tin tức có thể gây lo lắng, song các chuyên gia cho biết trường hợp này tương đối hiếm gặp. Số người nhập viện hoặc tử vong sau nhiễm đột phá thậm chí hiếm hơn.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), một người được coi là bị "nhiễm trùng đột phá" khi xét nghiệm dương tính nCoV ít nhất 14 ngày sau khi được tiêm vaccine đầy đủ.
Đối với vaccine Pfizer và Moderna, cần tiêm hai liều. Với vaccine Johnson & Johnson, chỉ cần tiêm một liều duy nhất.
Người bị nhiễm trùng đột phá có triệu chứng hoặc không. Song nghiên cứu chỉ ra rằng nếu đã tiêm đẩy đủ, các biểu hiện sẽ khá nhẹ.
Theo CDC, hiện Mỹ có khoảng 5.000 ca nhiễm đột phá phải nhập viện hoặc tử vong. Đây vẫn là một con số nhỏ trong hơn 159 triệu người đã được tiêm chủng đầy đủ.
Các nhà khoa học đã chứng minh 99,5% số ca tử vong do Covid-19 ở Mỹ hiện nay không được tiêm chủng. CDC đang theo dõi các trường hợp nhiễm trùng đột phá nhằm xác định đối tượng nào có nguy cơ lây nhiễm nhất.
Không có vaccine hoàn hảo
Vaccine Covid-19 hiệu quả cao trong phòng ngừa lây nhiễm nCoV, kể cả với biến thể. Tuy nhiên, tương tự như các vaccine khác, một số trường hợp vẫn nhiễm bệnh sau tiêm.
Tiến sĩ Amy Edwards, Phó giám đốc Y tế về Kiểm soát Nhiễm trùng Nhi khoa tại Bệnh viện Nhi UH Rainbow ở Cleveland, cho biết: "Không có loại vaccine nào có hiệu quả 100%".
Theo Edwards, với các bệnh khác như quai bị hoặc rubella, các ca nhiễm đột phá rất hiếm gặp, vì nhiều người đã được chủng ngừa và tỷ lệ lưu hành của mầm bệnh hiện rất thấp.
"Chúng ta đang thấy nhiều ca nhiễm đột phá hơn đối với nCoV là vì có rất nhiều người vẫn chưa tiêm chủng", bà nói.
Đối tượng nào dễ bị nhiễm nCoV đột phá?
Điều này chưa hoàn toàn rõ ràng. Một nghiên cứu về nhiễm trùng đột phá ở Israel cho thấy 6% trong số 152 tình nguyện viên không có bệnh lý nền.
Ngày 23/7, CDC cảnh báo vaccine Covid-19 có thể không bảo vệ được những người suy giảm miễn dịch, như bệnh nhân ghép tạng, hóa trị ung thư, chạy thận nhân tạo hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch.
Nhìn chung, người già dễ nhiễm nCoV đột phá hơn, bởi chức năng hệ miễn dịch sẽ suy giảm dần theo tuổi tác. Tuy nhiên, người đã tiêm vaccine có triệu chứng nhẹ hơn nhiều so với người chưa được tiêm chủng, theo nghiên cứu của Anh. Bên cạnh đó, cư dân các vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp dễ nhiễm trùng đột phá hơn, vì họ gặp nhiều F0 hơn.
Làm gì để ngăn nhiễm nCoV đột phá?
Theo tiến sĩ Edwards, để ngăn chặn nhiễm trùng đột phá, người dân cần tiêm vaccine đầy đủ. Điều này giúp làm giảm tỷ lệ virus lưu hành cũng như ngăn chặn sự lây lan của mầm bệnh.
Nếu nhiều người được chủng ngừa, nCoV có ít cơ hội lây lan hơn. Nó cũng giới hạn số lượng biến thể mới phát triển. Một số biến thể đang lưu hành đủ sức làm giảm hiệu quả của vaccine.
"Nếu không được chủng ngừa, bạn có nguy cơ cao mắc bệnh", tiến sĩ Rochelle Walensky, giám đốc CDC, cho biết ngày 23/7.
Tổng Y sĩ Mỹ Vivek Murthy nhận định người dân nên đeo khẩu trang và hết sức thận trọng nếu ở trong một khu vực có nhiều người chưa được tiêm chủng.
Tiến sĩ Edwards cho biết: "Một lần nữa, tôi muốn làm rõ rằng ngay cả khi vaccine không hiệu quả 100%, nó vẫn có vai trò rất lớn trong việc bảo vệ người dân khỏi Covid-19. Ngay cả khi không hoạt động hiệu quả ở những bệnh nhân suy giảm miễn dịch, chúng vẫn có tác dụng nhất định. Vì vậy, tôi không biết phải nói bao nhiêu cho đủ, hãy tiêm phòng đi!"
Mạnh Kha (Theo CNN)