Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keita hôm 19/8 tuyên bố từ chức trên truyền hình quốc gia, vài giờ sau khi ông và Thủ tướng Mali Boubou Cisse bị nhóm binh sĩ nổi dậy bắt, đồng thời cho biết cả chính phủ và quốc hội Mali sẽ giải tán. Lực lượng đảo chính tự xưng là Ủy ban Cứu quốc Nhân dân (CNSP) thông báo sẽ giám sát quá trình chuyển giao quyền lực chính trị, tổ chức bầu cử và thực thi lệnh giới nghiêm.
Giới chuyên gia đánh giá đây là hệ quả của nhiều bức xúc dồn nén, cùng những bất ổn chồng chất lâu nay ở Mali. Căng thẳng chính trị bùng phát từ năm 2018, sau khi Tổng thống Keita tái đắc cử trong một cuộc bỏ phiếu bị cáo buộc "có quá nhiều bất thường", tiếp đó là kết quả bầu cử quốc hội gây tranh cãi hồi đầu năm. Trong khi đó, Mali vốn đang chìm trong khủng hoảng kinh tế, nạn tham nhũng tràn lan, khiến đông đảo người dân xuống đường biểu tình chống chính phủ nhiều tháng qua.
Cuộc đảo chính, biến động mới nhất trong cơn hỗn loạn kéo dài gần một thập kỷ ở quốc gia Tây Phi, còn diễn ra giữa lúc các phiến quân Hồi giáo ở phía bắc thủ đô Bamako trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ. Mali có chung biên giới với Burkina Faso và Niger. Ba nước này đều phải đối mặt với sự gia tăng hiện diện của các nhóm phiến quân Hồi giáo.
Mali nằm trong khu vực Sahel, kéo dài từ Senegal ở phía đông đến Sudan ở phía tây, tạo thành dải chuyển tiếp giữa sa mạc Sahara khô cằn ở phía bắc với vùng xavan độ ẩm cao phía nam châu Phi. Dựa trên sự bất ổn tại khu vực này, giới quan sát lo ngại nếu Mali chìm sâu hơn vào hỗn loạn, "hiệu ứng domino" sẽ nhanh chóng xảy ra, gây ảnh hưởng tới tận vùng duyên hải Tây Phi.
Pháp được cho là sẽ quan tâm theo dõi những diễn biến mới nhất tại Mali, thuộc địa cũ của họ, trong lo ngại. Dù nhiều thập kỷ đã trôi qua kể từ khi Mali giành độc lập, Pháp vẫn duy trì ảnh hưởng sâu sắc tại nước này và bắt đầu can thiệp quân sự từ cuộc đảo chính năm 2012, cũng xuất phát từ binh biến ở căn cứ Kati, ngoại ô thủ đô Bamako, dẫn tới sự sụp đổ của chính phủ tổng thống Amadou Toumani Toure.
Mali là một phần trong Chiến dịch Barkhane của Pháp tại Sahel, nhằm chống lại sự nổi dậy của các phiến quân Hồi giáo trong khu vực. Nỗ lực này ban đầu thành công tốt đẹp, nhưng ngày càng bị coi là sự tiêu hao nguồn lực không hồi kết. Thậm chí bị một số người gọi đây là "Cuộc chiến Bất tận".
8 năm qua, Pháp đã chi gần một tỷ USD mỗi năm cho Chiến dịch Barkhanem, nhưng vẫn không dập tắt được tình trạng vô pháp tại những vùng biên giới của Mali. Cuộc đảo chính có nguy cơ khiến nỗ lực này khó khăn hơn nữa và gây lo ngại bạo lực có thể lan tới các quốc gia ven biển ở Tây Phi, nơi vốn đang ổn định.
Một cường quốc khác được cho là cũng lo ngại về tình hình Mali là Mỹ, khi các cố vấn quân sự của họ đang hiện diện tại nước này, bởi sự ổn định của chính phủ Mali phù hợp với lợi ích của phương Tây.
"Những thách thức về quản lý nội bộ và an ninh của Mali đang chi phối sự bất ổn trên khắp Sahel. Điều này quan trọng đối với Mỹ, bởi bất ổn trong khu vực sẽ tạo cơ hội cho những phần tử cực đoan bạo lực tấn công dân thường, thúc đẩy các mục tiêu của chúng, đồng thời khiến hàng triệu người phải di dời", Kyle Murphy, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), nhận định.
Căn cứ Không quân 201, cơ sở triển khai hoạt động chính của Mỹ trong khu vực, đặt ở ngoại ô thành phố Agadez, Niger, quốc gia được Washington coi là đối tác ổn định hơn Mali. Từ địa điểm này, các máy bay không người lái Mỹ cung cấp hỗ trợ và giám sát trên không cho nỗ lực của Pháp, nhằm ngăn chặn tình trạng mà quân đội Mỹ coi là mất an ninh, tập trung chủ yếu ở Mali và Libya.
Tổng thống Donald Trump từng đe dọa đóng cửa căn cứ trị giá 110 triệu USD tại Niger và rút lại sự hậu thuẫn của Mỹ đối với chiến dịch của Pháp. Do đó, Paris đang vận động mạnh mẽ nhằm duy trì hỗ trợ, đồng thời tăng cường quân số để đối đầu với hoạt động nổi dậy ngày càng tăng trong khu vực.
Một phái bộ của Liên Hợp Quốc có tên MINUSMA cũng được điều tới Mali kể từ tháng 4/2013. Tới tháng 3/2020, số lượng nhân sự đã lên hơn 13.500. Đây là một trong những nhiệm vụ nguy hiểm nhất do Liên Hợp Quốc giám sát, với hơn 200 người đã thiệt mạng.
G5 Sahel, một tổ chức hợp tác khu vực được thành lập năm 2014, cũng tham gia chống lại mối đe dọa an ninh tại Mali nói riêng và khu vực Sahel nói chung, với lực lượng gồm khoảng 5.000 quân từ Burkina Faso, Chad, Mali, Mauritania và Niger. Trong khi đó, Cộng đồng Kinh tế Các nước Tây Phi (ECOWAS) đã cử những người hòa giải chính trị tới Mali trong vài tháng gần đây.
Hoạt động của lực lượng Pháp và Liên Hợp Quốc đã góp phần ngăn chặn các nhóm vũ trang kiểm soát những vùng lãnh thổ rộng lớn. Tuy nhiên, giới quan sát lo ngại khoảng trống quyền lực ở Mali do cuộc đảo chính tạo ra, cùng tình trạng thiếu kiểm soát, có thể giúp chúng mở rộng phạm vi hoạt động.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 19/8 "lên án mạnh mẽ" cuộc binh biến ở Mali, nói thêm rằng "tất cả thành phần chính trị và quân sự nên hành động để phục hồi chính phủ hợp hiến". "Chúng tôi kêu gọi tất cả bên liên quan ở Mali tham gia đối thoại hòa bình, tôn trọng quyền tự do ngôn luận và tập hợp hòa bình của người Mali, cũng như phản đối bạo lực", Pompeo phát biểu.
Thierry Breton, ủy viên người Pháp phụ trách thị trường nội bộ của Liên minh châu Âu (EU), cho biết EU sẽ thúc đẩy "một tiến trình dân chủ và hợp hiến" ở Mali.
"Điều này vô cùng quan trọng. Hiến pháp phải được tuân thủ. Mali là một mảnh ghép ảnh hưởng tới sự ổn định hoặc bất ổn trong khu vực Sahel đầy phức tạp, nơi Pháp vô cùng quan tâm", ông nói.
Ánh Ngọc (Theo NY Times, CNN)