Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keita cùng Thủ tướng Boubou Cisse và các quan chức chính phủ hàng đầu ngày 18/8 bị nhóm binh lính nổi dậy bắt trong một "nỗ lực đảo chính".
Sự việc diễn ra vài giờ sau khi các binh sĩ chống đối tại căn cứ quân sự Kati ở ngoại ô Bamako vây bắt một số quan chức dân sự cấp cao và sĩ quan quân đội. Hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy Tổng thống Keita cùng Thủ tướng Cisse xuất hiện trong đoàn xe quân sự với các binh sĩ có vũ trang xung quanh.
Tổng thống Keita, 75 tuổi, sáng nay đã tuyên bố từ chức trên truyền hình nhà nước.
Hiện chưa rõ ai là người cầm đầu nhóm đảo chính, ai sẽ lãnh đạo Mali thay ông Keita, hay động cơ của những thành phần nổi dậy là gì. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, cuộc đảo chính là hệ quả của nhiều bức xúc dồn nén cũng những bất ổn chồng chất lâu nay ở Mali.
Suốt nhiều tháng qua, Mali đã sa lầy vào một cuộc khủng hoảng chính trị không ngừng leo thang, với hàng loạt cuộc biểu tình phản đối chính phủ. Các lãnh đạo địa phương đã nỗ lực hòa giải với người biểu tình song bất thành.
Căng thẳng chính trị đã cháy âm ỉ tại Mali sau khi Tổng thống Keita tái đắc cử hồi năm 2018 trong một cuộc bầu cử mà phe đối lập cho rằng "có quá nhiều bất thường". Bất đồng tiếp tục dâng cao hồi đầu năm vì kết quả gây tranh cãi của cuộc bầu cử quốc hội, khiến hàng chục nghìn người đổ xuống đường biểu tình, yêu cầu Keita từ chức. Người biểu tình cáo buộc ông không đủ khả năng vực dậy nền kinh tế tồi tệ của đất nước và không thể ngăn chặn một chiến dịch vũ trang đã kéo dài nhiều năm do các nhóm nổi dậy tiến hành làm hàng nghìn người chết, khiến không ít khu vực của Mali rơi vào cảnh vô chính phủ, không được kiểm soát.
Ngày 26/3, lãnh đạo phe đối lập Soumaila Cisse bị một nhóm tay súng không rõ danh tính bắt cùng với 6 thành viên khác trong nhóm trợ lý của ông trong lúc ông đang vận động tranh cử chỉ vài ngày trước khi cuộc bầu cử quốc hội vốn đã bị trì hoãn từ lâu diễn ra.
Vài giờ trước khi mở cửa hòm phiếu vào ngày 29/3, Mali ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì Covid-19, làm dấy lên lo ngại dịch bệnh sẽ bùng phát vượt khỏi tầm kiểm soát.
Vòng đầu tiên của cuộc bầu cử quốc hội vẫn được tổ chức bất chấp mối đe dọa từ Covid-19 và lo ngại an ninh về những cuộc tấn công tiềm tàng từ các nhóm vũ trang.
Vòng bầu cử thứ hai vào ngày 19/4 bị gián đoạn bởi một số sự cố khiến cử tri không thể bỏ phiếu.
Đến ngày 30/4, Tòa án Hiến pháp Mali đảo ngược kết quả tạm thời của cuộc bầu cử, trao cho đảng của Tổng thống Keita thêm 10 ghế trong quốc hội, biến họ thành phe đa số. Quyết định từ tòa án làm bùng phát biểu tình tại một số thành phố.
Ngày 30/5, các đảng đối lập chính cùng các nhóm xã hội dân sự thành lập một liên minh đối lập mang tên "Phong trào Ngày 6/5 - Tập hợp của những Lực lượng Yêu nước".
Liên minh đối lập kêu gọi biểu tình, yêu cầu Tổng thống Keita lập tức từ chức. Được dẫn dắt bởi lãnh đạo Hồi giáo nhiều ảnh hưởng Mahmoud Dicko, hàng nghìn người đã đổ xuống đường phố thủ đô Bamako vào ngày 5/6, lên án cái mà họ gọi là cách xử lý sai lầm của Tổng thống trong hàng loạt cuộc khủng hoảng của quốc gia.
Ngày 11/6, Keita tái bổ nhiệm Boubou Cisse làm thủ tướng, giao cho ông nhiệm vụ thành lập chính phủ mới. Tuy nhiên, hàng nghìn người lại tiếp tục biểu tình vào ngày 19/6, dưới sự bảo trợ của Phong trào Ngày 5/6, nhắc lại yêu cầu Tổng thống Keita phải từ chức.
Ngày 10/7, biểu tình biến thành bạo lực. Ít nhất 14 người thiệt mạng trong ba ngày đụng độ giữa lực lượng an ninh và người biểu tình. Đây được đánh giá là cuộc xung đột chính trị tồi tệ nhất Mali suốt nhiều năm.
Ngày 18/7, liên minh đối lập khước từ một bản kế hoạch do các nhà trung gian hòa giải quốc tế đề xuất nhằm xoa dịu căng thẳng tại Mali.
Sau các cuộc gặp với phái đoàn từ khối Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) do cựu tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan dẫn đầu, Phong trào Ngày 5/6 tuyên bố Tổng thống Keita ra đi chính là "lằn ranh đỏ" họ đặt ra.
Ngày 27/7, ECOWAS kêu gọi nhanh chóng thành lập một chính phủ đoàn kết ở Mali, cảnh báo trừng phạt những ai cản trở quá trình này. Phe đối lập khước từ kế hoạch, khẳng định Tổng thống phải từ chức.
Ngày 10/8, Keita bổ nhiệm 9 thẩm phán mới tại Tòa án Hiến pháp, một phần trong đề xuất của ECOWAS nhằm giải quyết tranh chấp.
Nhưng theo phóng viên Nicolas Haque từ Al Jazeera các thẩm phán mới do một đồng minh của Tổng thống Keita đề cử. Vậy nên, động thái này đã "đổ thêm dầu vào ngọn lửa giận dữ của người biểu tình". Họ cáo buộc Keita đang lạm dụng quyền lực để kéo các đồng minh lại gần mình hơn, Haque cho hay.
Sau quãng thời gian ngắn lắng xuống, các cuộc biểu tình phản đối chính phủ được nối lại vào ngày 11/8.
Ngày 12/8, lực lượng an ninh Mali bắn hơi cay và dùng vòi rồng để giải tán hàng trăm người biểu tình cắm chốt tại một quảng trường ở thủ đô. Phe đối lập ngày 17/8 tuyên bố sẽ tổ chức biểu tình mỗi ngày và đỉnh điểm là một cuộc biểu tình quy mô lớn ở Bamako vào cuối tuần.
Một ngày sau, Tổng thống Keita, Thủ tướng Cisse cùng các quan chức cấp cao chính phủ bị các binh lính nổi dậy bắt.
Sự giận dữ của người dân trào dâng trước các cáo buộc về việc giới tinh hoa trong chính quyền củng cố quyền lực và không ngừng tham nhũng, vơ vét của cải. Những hình ảnh xuất hiện gần đây cho thấy con trai của Tổng thống Keita tiệc tùng trên du thuyền sang trọng, giữa lúc nền kinh tế đất nước đang trầy trật, càng khiến dân chúng bất bình.
Kinh tế Mali vốn phụ thuộc phần lớn vào vàng và bông nên không thể tránh khỏi bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình hình an ninh bất ổn cũng như đại dịch Covid-19.
Người dân Mali còn phải đối mặt với tình trạng thiếu thốn kinh niên về đường sá, cơ sở hạ tầng điện cũng như khả năng tiếp cận với y tế, thực phẩm và nước uống. Theo Ngân hàng Thế giới, hơn 40% dân số Mali, tương đương khoảng 8 triệu người, đang phải sống trong cảnh nghèo đói cùng cực.
Mali đã phải chật vật để lập lại ổn định kể từ năm 2012, khi phiến quân Tuareg cùng các nhóm vũ trang liên kết lỏng lẻo chiếm đóng 2/3 khu vực phía bắc của đất nước, khiến Pháp phải can thiệp.
Trong lúc chính phủ và các tổ chức quốc tế tìm cách khôi phục hòa bình ở khu vực phía bắc thì tại miền trung Mali, nơi phần lớn vắng bóng sự quản lý của chính quyền, lại tiếp tục rơi vào bất ổn, với bạo lực liên tục gia tăng.
Khu vực miền trung Mali đã trở thành "bệ phóng" để al-Qaeda và các nhóm có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tấn công những quốc gia láng giềng. Các lãnh đạo khu vực lo sợ bạo lực có thể tiếp tục lan sang các quốc gia ven biển ở Tây Phi, nơi vốn đang ổn định, nếu tình hình bất ổn chính trị tại Mali tiếp tục xấu đi.
Các cường quốc thế giới, đặc biệt là Pháp, nước đã duy trì hiện diện quân sự tại Mali từ năm 2013, lo ngại khủng hoảng có thể làm suy yếu những nỗ lực trị giá hàng tỷ USD nhằm kiềm chế các nhóm vũ trang.
Các lãnh đạo châu Âu lại quan ngại rằng bạo lực sẽ khiến thêm rất nhiều người bị mất nhà cửa, qua đó thúc đẩy làn sóng di cư về phía bờ biển của họ, điều mà châu Âu không mong muốn, đặc biệt ở thời điểm hiện tại, giữa đại dịch Covid-19.
Vũ Hoàng (Theo Al Jazeera)