"Mỹ lên án mạnh mẽ cuộc binh biến ở Mali hôm 18/8 vì chúng tôi luôn phản đối mọi hành động cưỡng đoạt quyền lực", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết hôm 19/8, thêm rằng "tất cả thành phần chính trị và quân sự nên hành động để phục hồi chính phủ hợp hiến".
"Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan ở Mali tham gia đối thoại hòa bình, tôn trọng quyền tự do ngôn luận và tập hợp hòa bình của người Mali, cũng như phản đối bạo lực", Pompeo nói thêm.
Nhiều lãnh đạo quốc tế và tổ chức khu vực như Liên minh châu Âu (EU), Liên minh châu Phi (AU) và Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) cũng phản đối mạnh mẽ cuộc đảo chính ở Mali.
Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keita tuyên bố từ chức hôm 18/8 sau khi ông và Thủ tướng Boubou Cisse bị các lãnh đạo đảo chính bắt. Tổng thống Keita cho biết cả chính phủ và quốc hội Mali sẽ giải tán vì ông không muốn đổ máu.
Lực lượng đảo chính tự xưng là Uỷ ban Cứu quốc Nhân dân (CNSP) tuyên bố sẽ giám sát quá trình chuyển giao quyền lực chính trị, tổ chức bầu cử và thực thi lệnh giới nghiêm.
Đại tá Ismael Wague, thành viên CNSP, cáo buộc chính phủ Keita tham nhũng và không giải quyết được các mối đe dọa từ những nhóm cực đoan trong khu vực.
Liên minh M5-RFP, nhóm đứng sau những cuộc biểu tình lớn tại quốc gia Tây Phi kể từ tháng 6 nhằm kêu gọi Keita từ chức, bày tỏ ủng hộ hành động của nhóm binh sĩ nổi dậy. Phát ngôn viên M5-RFP Nouhoum Togo nói đây "không phải đảo chính quân sự, mà là cuộc nổi dậy toàn dân".
Binh biến từng xảy ra tại Mali năm 2012, bắt đầu từ căn cứ Kati, sau đó dẫn tới đảo chính lật đổ tổng thống khi đó là Amadou Toumani Toure, đẩy miền bắc Mali vào tay các phiến quân Hồi giáo. Quân đội Pháp sau đó đã can thiệp để đẩy lùi phiến quân.
Ngọc Ánh (Theo The Hill)