"Về vấn đề tiêm kích F-16, Tổng thống Joe Biden đã ra quyết định từ vài tuần trước, đang tham vấn chặt chẽ với các đồng minh, để bắt đầu huấn luyện phi công Ukraine sử dụng loại máy bay này", cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết ngày 12/7.
Theo ông Sullivan, quá trình huấn luyện sẽ mất thời gian và sau đó việc chuyển giao F-16 sẽ diễn ra, khả năng cao là từ các nước châu Âu dư thừa loại tiêm kích này.
Trước đó, một số quan chức phương Tây cho biết việc chuyển giao F-16 cho Ukraine có thể bắt đầu từ đầu năm 2024, song chưa rõ thời gian cụ thể và quốc gia nào sẽ cung cấp tiêm kích.
Đan Mạch ngày 11/7 thông báo lập "liên minh" để huấn luyện phi công Ukraine lái F-16, bắt đầu từ tháng 8. Liên minh do Đan Mạch và Hà Lan dẫn đầu, cùng các nước Bỉ, Canada, Luxembourg, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Anh và Thụy Điển. Khoảng nửa số quốc gia trong liên minh không biên chế F-16 và chưa nước nào công khai cam kết chuyển tiêm kích cho Kiev.
Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba nói việc huấn luyện "nên bắt đầu trong tháng 8, có thể đầu tháng 9". Lý tưởng là những tiêm kích F-16 do phi công Ukraine lái "cất cánh vào cuối quý I năm 2024".
"Nhưng chúng ta cần huấn luyện các kỹ thuật viên, chuẩn bị cơ sở hạ tầng. Còn nhiều vấn đề cụ thể nên kế hoạch có thể thay đổi", ông Kuleba bổ sung.
Tiêm kích F-16 do General Dynamics phát triển từ những năm 1970, được Mỹ và các đồng minh sử dụng. Mỗi chiếc F-16 có giá khoảng 30-35 triệu USD tùy biến thể, nhưng khách hàng có thể trả nhiều hoặc ít hơn dựa vào số lượng đặt mua, điều kiện kinh tế - chính trị và các yếu tố khác.
F-16 có thể đạt tốc độ tối đa 2.121 km/h ở độ cao 12.000 m, trần bay tối đa 18.000 m với tầm hoạt động 546 km. F-16 được trang bị một pháo 6 nòng 20 mm, 11 giá treo có thể mang theo 7,7 tấn vũ khí.
Nga từng nhiều lần kêu gọi Mỹ và đồng minh dừng "bơm" vũ khí cho Ukraine, cho rằng động thái này không ảnh hưởng đến kết quả xung đột mà chỉ làm gia tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp.
Trả lời nhật báo Lenta ngày 13/7, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo nước này sẽ coi việc Ukraine sử dụng F-16 là mối đe dọa từ phương Tây trong vấn đề hạt nhân, bởi loại tiêm kích này có thể mang theo vũ khí hạt nhân.
Hồi tháng 5, ông Lavrov cũng tuyên bố viện trợ F-16 cho Ukraine là "sự leo thang không thể chấp nhận" và cảnh báo phương Tây "đang đùa với lửa". Tổng thống Vladimir Putin tháng 6 nói tiêm kích F-16 cũng sẽ cháy rụi như những xe tăng phương Tây viện trợ cho Ukraine đã bị Nga phá hủy trên chiến trường.
Như Tâm (Theo Reuters, TASS)