"Mỹ không cần tăng cường lực lượng hạt nhân để vượt trội so với tổng lực lượng của đối thủ cạnh tranh nhằm răn đe hiệu quả họ", cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan ngày 2/6 cho biết.
Ông Sullivan nói Mỹ sẽ tuân thủ các giới hạn vũ khí hạt nhân đặt ra trong hiệp ước New START tới khi hết hạn vào năm 2026 nếu Nga làm tương tự. Ông cũng cho biết Mỹ đang tìm cách thuyết phục Nga và Trung Quốc tham gia các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 2 đình chỉ tham gia thỏa thuận New START, được ký năm 2010 với Mỹ nhằm hạn chế số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà mỗi bên có thể triển khai. Đáp lại, Mỹ ngày 28/3 thông báo sẽ ngừng trao đổi một số dữ liệu về lực lượng hạt nhân của nước này với Nga.
"Mặc dù đình chỉ New START, Nga vẫn công khai cam kết tuân thủ các giới hạn trọng tâm của hiệp ước và cho thấy họ nhiều khả năng sẵn sàng tiếp tục hạn chế lực lượng hạt nhân chiến lược cho tới năm 2026", ông Sullivan nói.
Ông Sullivan nhận định tham gia cuộc cạnh tranh không giới hạn về vũ khí hạt nhân "không có lợi" cho cả hai nước, đồng thời tuyên bố Mỹ "sẵn sàng tuân thủ các giới hạn chủ chốt chừng nào Nga còn làm vậy".
"Thay vì chờ đợi để giải quyết tất cả khác biệt giữa hai bên, Mỹ sẵn sàng hợp tác với Nga từ bây giờ để kiểm soát rủi ro hạt nhân và phát triển khuôn khổ kiểm soát vũ khí sau năm 2026", cố vấn an ninh quốc gia Mỹ cho biết.
Bình luận được ông Sullivan đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 15/5 công khai kho vũ khí hạt nhân, động thái được đánh giá nhằm gây sức ép với Nga. Theo báo cáo, Mỹ đang có 1.419 đầu đạn hạt nhân trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Giới chức Nga năm ngoái cho biết nước này có 1.474 đầu đạn hạt nhân sẵn sàng triển khai.
Mỹ và Nga kí hiệp ước New START năm 2010, nối tiếp hiệp ước START hết hạn một năm trước đó và thay thế Hiệp ước Moskva ký năm 2003. Hiệp ước New START giới hạn số đầu đạn hạt nhân chiến lược mà họ có thể triển khai, cũng như tên lửa, oanh tạc cơ và tàu ngầm mang chúng.
New START ban đầu có hiệu lực năm 2011-2021 rồi được gia hạn thêm 5 năm, trong đó có điều kiện hai bên thanh sát tình trạng lẫn nhau để đảm bảo tuân thủ thỏa thuận. Nga tháng 8/2022 thông báo đình chỉ hoạt động với lý do Mỹ đưa ra các điều kiện tạo lợi thế đơn phương, cũng như "cản trở Nga kiểm tra các kho vũ khí trên lãnh thổ Mỹ".
Giới chuyên gia phương Tây đã cảnh báo kịch bản New START sụp đổ hoặc không thể gia hạn năm 2026 có thể tạo một cuộc chạy đua vũ trang mới, song song với chiến sự Ukraine. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Mỹ và Nga đang sở hữu 90% số đầu đạn hạt nhân trên toàn thế giới, đủ để hủy diệt hành tinh.
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)