"Ngoại giao có cơ hội thành công cao nhất khi chúng ta tạo không gian cho các cuộc đàm phán bí mật", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết trong cuộc họp báo ngày 26/1, sau khi từ chối cung cấp thông tin chi tiết về văn bản hồi đáp các đề xuất an ninh mà Mỹ đã chuyển cho Nga.
Ông cho biết văn bản hồi đáp được đại sứ Mỹ tại Nga John Sullivan trực tiếp gửi đến Bộ Ngoại giao Nga hôm 26/1, đề cập tới những lo ngại an ninh của Moskva và thể hiện ý kiến của Washington cùng đồng minh.
Blinken mô tả văn bản trên đề cập đến các "nguyên tắc cốt lõi" mà Mỹ quyết tâm duy trì, trong đó có "chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, cũng như quyền của các quốc gia được lựa chọn các thỏa thuận an ninh và liên minh của riêng họ".
Các vấn đề khác được đề cập trong văn bản phản hồi còn có cùng minh bạch về hoạt động quân sự ở Ukraine, biện pháp tăng cường lòng tin trong diễn tập quân sự và chuyển quân ở châu Âu, cũng như kiểm soát vũ khí liên quan đến tên lửa ở châu lục và một thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân.
Ngoại trưởng Mỹ khẳng định Washington cởi mở trong đối thoại và mong muốn lựa chọn con đường ngoại giao, song nêu điều kiện Moskva phải giảm leo thang hành vi gây hấn với Ukraine và chấm dứt các tuyên bố "kích động".
Blinken cho biết NATO cũng soạn và gửi văn bản hồi đáp riêng cho Nga, song Washington và liên minh "không hiệp đồng với nhau" trong hoạt động này.
Nga chưa bình luận về tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ, nhưng Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trước đó nói trước quốc hội rằng Moskva sẽ không công bố văn bản hồi đáp an ninh của Mỹ nếu được yêu cầu. Tuy nhiên, Nga sẽ tiết lộ thông điệp khái quát của câu trả lời mà Mỹ đưa ra.
Blinken gặp Lavrov hồi tuần trước để thảo luận về đề xuất an ninh 8 điểm do Nga đưa ra, trong đó Moskva yêu cầu NATO rút toàn bộ binh sĩ và vũ khí khỏi những nước gia nhập liên minh sau năm 1997, gồm Ba Lan, Estonia, Litva, Latvia và các nước vùng Balkan.
Moskva cũng muốn NATO ngừng mở rộng về phía đông, không kết nạp Ukraine vào khối và không diễn tập tại Ukraine, Đông Âu, Trung Á và các nước vùng Kavkaz nếu chưa có sự đồng thuận từ Nga.
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 24/12 tuyên bố sẽ không nhượng bộ bất cứ điều gì cho Nga nếu không có lợi cho cả hai. Mỹ nhiều lần từ chối xem xét đề xuất ngừng mở rộng NATO về phía đông do Nga đưa ra.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 26/1 khẳng định khối sẽ không thỏa hiệp với Nga về khả năng kết nạp Ukraine, Gruzia và các nước từng thuộc Liên Xô, do điều này mâu thuẫn với nguyên tắc cốt lõi của liên minh.
Mỹ và NATO cáo buộc Nga tập trung hơn 100.000 quân sát biên giới và lên kế hoạch tiến đánh nước láng giềng. Nga nhiều lần bác bỏ thông tin này và tuyên bố chúng "vô căn cứ", khẳng định mọi động thái quân sự ở biên giới phía tây hoàn toàn vì mục đích phòng thủ.
Quân đội Ukraine tuần trước nhận định Nga đang duy trì 127.000 binh sĩ và nhiều lữ đoàn tên lửa đạn đạo Iskander ở biên giới, lưu ý nhiều khu vực trọng yếu của nước này, trong đó có thủ đô Kiev, đều nằm trong tầm bắn tên lửa Nga.
Nguyễn Tiến (Theo RT)