Mỹ những ngày gần đây không ngừng cảnh báo Nga sắp động binh tiến đánh Ukraine, kế hoạch mà Moskva liên tục phủ nhận. Các quan chức Mỹ cho rằng trừng phạt chính phủ của Tổng thống Vladimir Putin trước khi Nga xâm lược quốc gia láng giềng sẽ chỉ khiến khủng hoảng bùng phát ngay lập tức.
"Mục đích của các biện pháp trừng phạt là cố gắng ngăn Nga động binh. Ngay sau khi bạn kích hoạt chúng, thế răn đe đó sẽ biến mất", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 20/2 nói trong chương trình State of the Union trên kênh CNN.
Phương Tây đã đe dọa áp các lệnh trừng phạt kinh tế mạnh tay lên Nga nếu nước này tấn công Ukraine. Theo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cùng một loạt nhà phê bình, nếu Mỹ và các đồng minh chắc chắn Nga có kế hoạch xâm lược, họ nên tung ra những biện pháp trừng phạt ngay bây giờ.
"Bạn nói với tôi 100% sẽ có chiến tranh trong vài ngày tới. Bạn còn chờ gì nữa?", Tổng thống Zelensky đặt câu hỏi tại Hội nghị An ninh Munich hôm 19/2, lặp lại lời kêu gọi trước đó rằng phương Tây nên áp đặt trừng phạt với Nga lập tức thay vì chờ đợi.
Phát biểu với báo giới tại Munich, Đức, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris cho biết các lệnh trừng phạt được áp đặt lên Nga sẽ là "lớn nhất nếu không muốn nói là mạnh nhất" trong lịch sử. Tuy nhiên, bà duy trì quan điểm của Ngoại trưởng Blinken rằng vẫn còn một số cách để ngăn Nga động binh.
Tuy nhiên, Putin trong cuộc họp báo với người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko hôm 18/2 tuyên bố không lệnh trừng phạt nào có thể răn đe được Nga làm những điều mình muốn, bởi Moskva đã"miễn nhiễm" với các lệnh trừng phạt trong nhiều năm.
"Họ thế nào rồi cũng sẽ áp lệnh trừng phạt. Dù hôm nay họ có cái cớ liên quan đến các sự kiện ở Ukraine hay không, họ vẫn sẽ tìm ra cớ", Putin nói. "Mục tiêu của họ là ngăn cản sự phát triển của Nga và Belarus".
Căng thẳng Ukraine tăng nhiệt từ cuối năm ngoái, sau khi Mỹ và nhiều đồng minh phương Tây cáo buộc Nga tập trung hơn 100.000 quân ở biên giới phía tây để lên kế hoạch tấn công nước láng giềng. Trong những tuần qua, Mỹ liên tục phát cảnh báo Nga "sắp tấn công" nhưng chính phủ Ukraine tin rằng tình hình "không có gì mới".
Nga nhiều lần khẳng định mọi hoạt động quân sự ở biên giới là vấn đề nội bộ và chỉ nhằm mục tiêu diễn tập trước mối đe dọa từ kịch bản NATO mở rộng sang phía đông, đồng thời chỉ trích Mỹ và đồng minh phóng đại nguy cơ chiến tranh.
Nga ngày 15/2 thông báo các đơn vị thuộc Quân khu phía Tây và phía Nam đang trở về căn cứ sau khi hoàn thành diễn tập gần Ukraine. Động thái này được đánh giá là nhằm hạ nhiệt căng thẳng và đáp trả cáo buộc họ sẽ tấn công Ukraine ngày 16/2.
Tuy nhiên, Ukraine và nhiều lãnh đạo phương Tây hoài nghi tuyên bố của Nga, khi nói rằng không thấy bằng chứng Moskva rút quân. Tình báo phương Tây vẫn lo ngại Tổng thống Nga Putin có thể ra lệnh tấn công Ukraine bất cứ khi nào.
Xem thêm:
- 5 câu hỏi về khủng hoảng Ukraine
- Bốn tháng khủng hoảng Nga - Ukraine sục sôi
- Vì sao Nga không động binh với Ukraine?
- Tính toán khiến Mỹ liên tục cáo buộc Nga 'sắp tấn công Ukraine'
Vũ Hoàng (Theo Reuters)