Các đầu đạn lao xuống mục tiêu ở Dnipro gần như thẳng đứng, cho thấy tên lửa dường như được phóng ở góc cao để giảm tầm bắn.
"Thao trường Kapustin Yar nằm cách thành phố Dnipro khoảng 800 km, do đó quả đạn rất có khả năng được phóng với góc lớn, hướng lên cao", Ankit Panda, chuyên gia thuộc Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế tại Mỹ, nêu quan điểm.
Lewis cũng có chung nhận định, cho rằng Oreshnik sẽ bay được ít nhất 1.500 km trong 15 phút nếu được phóng theo quỹ đạo bình thường.
Hai nguồn tin cấp cao trong chính phủ Ukraine ngày 26/11 cho biết tên lửa Oreshnik nhằm vào thành phố Dnipro không chứa thuốc nổ và chỉ gây ra "thiệt hại tương đối nhỏ". Tuy nhiên, BBC dẫn lời một số nhân chứng nói rằng cuộc tập kích bằng tên lửa Oreshnik "rất bất thường" và đã gây ra hàng loạt nổ trong vòng ba tiếng sau đó.
Chuyên gia Lewis cho biết sau khi được giải phóng từ bệ MIRV, đầu đạn đạt tốc độ hồi quyển rất lớn, đủ gây ra thiệt hại nặng ngay cả khi chúng chỉ là những khối kim loại đơn thuần không chứa thuốc nổ. Sức hủy diệt sẽ lớn hơn rất nhiều nếu 6 đầu đạn này mang theo thuốc nổ, hoặc là đầu đạn hạt nhân chiến thuật cỡ nhỏ.
William Alberque, chuyên gia tại viện nghiên cứu có tên Trung tâm Stimson ở Mỹ, nhận định độ chính xác của đầu đạn Oreshnik đáp ứng yêu cầu của vũ khí hạt nhân, vốn có sức hủy diệt trên quy mô lớn, nhưng chưa đảm bảo để đánh trúng mục tiêu nếu dùng đầu đạn thông thường. "Chúng tôi chưa từng thấy Nga chế tạo đầu đạn MIRV với độ chính xác của vũ khí thông thường", Alberque nói.
Theo các chuyên gia phương Tây, vòng tròn sai số (CEP) của tên lửa hạt nhân thường là 50-200 m, nghĩa là ít nhất một nửa số đầu đạn tên lửa sẽ rơi vào khu vực có bán kính 50-200 m tính từ mục tiêu. Sức hủy diệt lớn của đầu đạn hạt nhân cho phép chúng phá hủy mục tiêu dù rơi cách hàng trăm mét, trong khi vũ khí dẫn đường thông thường đòi hỏi độ chính xác chỉ vài mét.
"Cơ chế đầu đạn chùm của Oreshnik khiến độ chính xác không còn là vấn đề quan trọng, vì các đầu đạn con sẽ được rải trên khu vực rộng lớn, mang lại lợi thế đáng kể khi tấn công những cơ sở hạ tầng có diện tích rộng", Alberque cho biết.
Theo Lewis, đây là vũ khí mới của Nga nhưng không cho thấy thay đổi đáng kể trong công nghệ quân sự. Chuyên gia này cho rằng các kỹ sư Nga đã kết hợp hàng loạt công nghệ cũ theo cách mới để tạo ra Oreshnik.
Các chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ cho rằng Oreshnik được phát triển trên cơ sở tên lửa đạn đạo tầm xa RS-26 Rubezh. Nga từng 5 lần phóng thử tên lửa RS-26, trong đó 4 lần thành công, song chưa biên chế vũ khí này. Lewis nhận định Nga có thể bỏ bớt một tầng đẩy của RS-26 khi thiết kế Oreshnik, làm giảm tầm bắn của tên lửa.
Chuyên gia này cho rằng đòn tập kích bằng tên lửa Oreshnik mang đầu đạn thông thường có chi phí rất cao nhưng không gây nhiều thiệt hại cho đối phương.
Mỹ từng cân nhắc phát triển ICBM mang đầu đạn phi hạt nhân trong chương trình có tên Vũ khí Tấn công Thông thường (CPS). "Lầu Năm Góc đã từ bỏ CPS vì họ cho rằng điều này ngớ ngẩn", Alberque nói.
Các quan chức Mỹ tuyên bố Nga đã báo trước về vụ phóng tên lửa Oreshnik ngày 21/11. Tuy nhiên, giới chức Nga bác bỏ điều này và khẳng định Mỹ chỉ nhận thông báo qua hệ thống tự động. Tim Wright, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), cho rằng Nga "nhận thức được nguy cơ nhầm lẫn về đòn tấn công hạt nhân và muốn giảm thiểu nó".