Vụ không kích tại Syria hôm 25/2 còn khiến 9 tay súng dân quân thân Iran bị thương, phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby thông báo trong cuộc họp báo ngày 1/3.
Ảnh vệ tinh được công bố hai ngày sau vụ không kích cho thấy khu trại của nhóm dân quân tại Syria, cách biên giới với Iraq khoảng 300 m, bị xóa sổ gần như hoàn toàn sau loạt 7 quả bom dẫn đường, mỗi quả nặng 500 pound (gần 227 kg), từ hai tiêm kích F-15E của Mỹ.
Vụ không kích là chiến dịch quân sự có thương vong đầu tiên được Tổng thống Joe Biden ra lệnh tiến hành sau khi nhậm chức. Chiến dịch này nhằm trả đũa vụ phóng rocket vào một căn cứ quân sự nơi Mỹ đóng quân tại miền bắc Iraq, khiến một nhà thầu quân sự nước ngoài thiệt mạng và một số binh sĩ cùng nhà thầu quân sự Mỹ bị thương.
Các quan chức Mỹ cho biết trận không kích của Mỹ được đánh giá là đòn "ăn miếng trả miếng" mang tính biểu tượng nhắm vào nhóm dân quân thân Iran chịu trách nhiệm trong vụ phóng rocket. Khi được hỏi về quy mô quá nhỏ của đòn không kích, phát ngôn viên Kirby khẳng định chiến dịch đã đạt được mục tiêu.
"Chiến dịch được lên kế hoạch để làm hai việc là loại bỏ cơ sở được sử dụng làm chốt kiểm soát qua lại giữa Syria và Iraq, đồng thời gửi thông điệp rất mạnh mẽ rằng chúng tôi sẽ không dung thứ cho các cuộc tấn công vào công dân của mình lẫn các đối tác Iraq", Kirby nói.
Mỹ triển khai khoảng 2.500 quân ở Iraq để huấn luyện và hỗ trợ lực lượng của chính phủ nước này khi họ phải đối mặt với tình hình an ninh đầy biến động. Lực lượng dân quân người Shiite do Iran hậu thuẫn phát triển thành thế lực hùng mạnh tại Iraq, thách thức quân đội Mỹ và các nước phương Tây khác đang hoạt động ở quốc gia Trung Đông này.
Vụ không kích diễn ra trong bối cảnh chính quyền Biden tìm cách tái hợp tác ngoại giao với Iran, sau khi đồng ý tham gia các cuộc đàm phán về tương lai thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Cựu tổng thống Donald Trump trước đó rút Mỹ khỏi thỏa thuận và áp đặt loạt lệnh trừng phạt nhằm vào Iran.
Bộ Ngoại giao Iran trong thông cáo ngày 28/2 không từ chối hoàn toàn cuộc đàm phán, song cho biết "chưa coi thời điểm hiện tại là phù hợp để ngồi vào bàn đàm phán" với Mỹ.
Nguyễn Tiến (Theo Washington Post)