Trong thư gửi ngày 27/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết vụ không kích nhằm vào cơ sở tại Syria của nhóm dân quân thân Iran là hành động "tuân theo quyền tự vệ vốn có của Mỹ, được thể hiện trong Điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc". Với bức thư này, Biden đã thực hiện nghĩa vụ thông báo của tổng thống được quy định Đạo luật Quyền lực Chiến tranh do Quốc hội Mỹ thông qua hồi tháng 11/1973.
"Theo chỉ đạo của tôi, các lực lượng Mỹ ngày 25/2 triển khai một cuộc tấn công quân sự có chủ đích nhằm vào cơ sở ở miền đông Syria, vốn được các nhóm dân quân do Iran hậu thuẫn sử dụng", Biden viết trong thư gửi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Chủ tịch Thượng viện tạm quyền Patrick Leahy.
"Các nhóm dân quân này trước đó tham gia những vụ tấn công nhằm vào Mỹ và thành viên liên quân tại Iraq, bao gồm vụ tấn công hôm 15/2 tại Erbil, Iraq khiến một binh sĩ cùng 4 nhà thầu quân sự bị thương, một người ở tình trạng nguy kịch. Một nhà thầu quân sự Philippines thiệt mạng", Biden viết.
Biden khẳng định Mỹ "luôn sẵn sàng thực hiện các hành động cần thiết và tương xứng để tự vệ", kể cả trong trường hợp chính phủ quốc gia nơi có mối đe dọa "không muốn hoặc không thể ngăn chặn các nhóm dân quân chịu trách nhiệm cho các vụ tấn công như vậy sử dụng lãnh thổ của họ".
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki ngày 26/2 cho biết Lầu Năm Góc đã thông báo tóm tắt cho lãnh đạo quốc hội trước khi vụ không kích diễn ra. "Sẽ có một cuộc họp mật đầy đủ, chậm nhất là vào tuần tới", Psaki nói tại cuộc họp báo trong chuyến thăm Texas của Biden.
Chính quyền Biden cho biết chiến dịch không kích nhằm đáp trả các vụ phóng rocket của dân quân thân Iran nhằm vào lực lượng Mỹ, phù hợp với Điều 2 Hiến pháp Mỹ cùng Điều 51 Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Tuy nhiên, một số nghị sĩ Dân chủ nói rằng quốc hội Mỹ không thông qua việc ủy quyền cho tổng thống sử dụng vũ lực quân sự tại Syria. Các nghị quyết năm 2001 và 2002 được thông qua để tấn công những kẻ chịu trách nhiệm về vụ tấn công ngày 11/9 và mở chiến dịch tấn công Iraq. Quốc hội Mỹ đã không tuyên chiến kể từ năm 1942.
"Biden trở thành tổng thống Mỹ thứ 7 liên tiếp ra lệnh không kích ở Trung Đông", hạ nghị sĩ Dân chủ Ro Khanna cho biết. "Hoàn toàn không có lý do gì để Tổng thống ra lệnh tấn công không nhằm mục đích tự vệ trước mối đe dọa sắp xảy ra mà không có sự cho phép của quốc hội".
Một số nghị sĩ Mỹ nhiều năm qua tìm cách chống lại cách giải thích quá rộng của nghị quyết Ủy quyền Sử dụng Lực lượng Quân sự (AUMF) 2001 và thay bằng nghị quyết xác định quyền lực chiến tranh hẹp hơn.
Phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết chính quyền Biden đã triển khai "quy trình nghiêm ngặt bao gồm việc xem xét tính pháp lý của các cuộc không kích được triển khai". "Các cuộc không kích là cần thiết để giải quyết mối đe dọa và tương ứng với những vụ tấn công trước đó", phát ngôn viên này cho biết.
Không quân Mỹ ngày 25/2 điều hai tiêm kích F-15E ném 7 quả bom dẫn đường nhằm vào một khu phức hợp của dân quân thân Iran tại Syria, cách biên giới với Iraq khoảng 300 m. Vụ không kích san phẳng phần lớn các tòa nhà tại đây. Một số nguồn tin cho biết 17-22 tay súng dân quân thiệt mạng trong vụ không kích.
Nguyễn Tiến (Theo CNN)