"Ứng dụng quân sự của công nghệ siêu vượt âm là điều chúng tôi lo ngại và kiềm chế theo đuổi. Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc đang tích cực quân sự hóa công nghệ này, chúng tôi phải hành động tương xứng. Mỹ chưa có cách phòng thủ trước vũ khí siêu vượt âm, Nga và Trung Quốc cũng vậy", phái viên Mỹ về giải giáp vũ khí Robert Wood nói với các phóng viên tại Thụy Sĩ hôm qua.
Phái viên Mỹ đang tham gia hội thảo về giải trừ quân bị do Liên Hợp Quốc tổ chức tại thủ đô Geneva của Thụy Sĩ, tỏ ý hy vọng các công nghệ mới có thể được đề cập hoặc kiểm soát thông qua những nguyên tắc hoặc cơ chế pháp lý được quốc tế đồng thuận trong tương lai.
"Nga có phương tiện lướt siêu vượt âm Avangard lắp trên tên lửa đạo đạo xuyên lục địa hạng nặng. Chúng tôi đã biết về nó. Loại vũ khí này nằm trong điều khoản Hiệp ước Giảm Vũ khí Tấn công Chiến lược Mới (New START)", ông nói thêm.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết Washington đang theo dõi chặt chẽ các chương trình phát triển vũ khí hiện đại của Bắc Kinh, cho rằng những khí tài này sẽ gây gia tăng căng thẳng khu vực và khẳng định Mỹ sẽ tập trung vào thách thức quân sự từ Trung Quốc.
Giới chức Nga và Trung Quốc chưa bình luận về phát biểu của hai quan chức Mỹ.
Các phát biểu được đưa ra hai ngày sau khi tờ Financial Times dẫn lời 5 quan chức Mỹ giấu tên cho biết Trung Quốc đã phóng một tên lửa Trường Chinh 2C lên không gian hồi tháng 8, mang theo phương tiện lướt siêu vượt âm có thể trang bị đầu đạn hạt nhân.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên phủ nhận thông tin, cho rằng đó là cuộc thử nghiệm tàu vũ trụ bình thường nhằm kiểm tra công nghệ tái sử dụng phương tiện không gian. "Nó có thể mang tới phương án tiện lợi và rẻ tiền để con người sử dụng vũ trụ vì mục đích hòa bình", ông nói.
Tên lửa siêu vượt âm là vũ khí có tốc độ tối thiểu gấp 5 lần âm thanh (Mach 5), tương đương hơn 6.200 km/h. Những vũ khí bay nhanh hơn vận tốc âm thanh nhưng không đạt ngưỡng Mach 5 thường chỉ được gọi là tên lửa siêu thanh.
Tốc độ lớn, khả năng cơ động và đường bay thấp trong khí quyển khiến vũ khí siêu vượt âm rất khó bám bắt và đánh chặn so với tên lửa đạn đạo truyền thống, đặt ra thách thức lớn với mọi lưới phòng không hiện đại. Đối phương cũng có ít thời gian phản ứng trước vũ khí siêu vượt âm, không kịp triển khai lực lượng đánh chặn hoặc sơ tán.
Nga, Mỹ, Trung Quốc và ít nhất 5 quốc gia khác đang nghiên cứu công nghệ này, trong đó Moskva và Bắc Kinh đã biên chế một số loại tên lửa siêu vượt âm hoặc tên lửa mang đầu đạn lướt nhằm đối phó với Washington.
Vũ Anh (Theo Reuters)