Triển lãm Phát triển Quốc phòng 2021 khai mạc tại thủ đô Bình Nhưỡng hôm 11/10 nhằm kỷ niệm 76 năm ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên. Đây được đánh giá là sự kiện chưa từng có tiền lệ với sự xuất hiện của những vũ khí hiện đại nhất trong biên chế Triều Tiên hoặc đang được thử nghiệm.
Điểm nhấn của triển lãm là khu trưng bày tên lửa đạn đạo tầm xa, với các mẫu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-12, Hwasong-17 và tên lửa siêu vượt âm Hwasong-8, đánh dấu lần đầu tiên nước này công khai hình ảnh của loại vũ khí mới được phóng thử hồi tháng trước.
Hình ảnh do truyền thông nhà nước Triều Tiên công bố cho thấy tên lửa Hwasong-8 được gắn đầu đạn nhọn màu cam, hé lộ hình dáng rõ ràng nhất về đầu đạn siêu vượt âm mà Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công hồi tháng 9.
"Đúng như dự đoán, vũ khí siêu vượt âm của Triều Tiên là một tên lửa đạn đạo gắn phương tiện lướt siêu vượt âm. Tuy nhiên, sản phẩm trưng bày ở triển lãm nhiều khả năng chỉ là mô hình thể hiện hình dáng chung của đầu đạn, không thể biết đây là hình dáng hoàn chỉnh hay liệu nó đã được thử nghiệm tách khỏi tên lửa đẩy hay chưa", chuyên gia quân sự Thomas Newdick nhận xét.
Trong bức ảnh được truyền thông Triều Tiên công bố, đầu đạn siêu vượt âm có mặt dưới phẳng và vát lên trên, trong khi mặt trên có dáng cong tròn, tương đồng với nhiều nguyên mẫu đầu đạn lướt siêu vượt âm đang được một số cường quốc thử nghiệm. Phương tiện này được trang bị hai cánh lái ở hai bên sườn, cùng cánh đuôi đứng ở mặt trên và mặt dưới quả đạn.
Truyền thông Triều Tiên không cho biết thông tin chi tiết về tên lửa Hwasong-8.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm 29/9 thông báo Học viện Khoa học Quốc phòng đã phóng thành công tên lửa siêu vượt âm Hwasong-8, ca ngợi vụ thử mang "ý nghĩa chiến lược to lớn" trong bối cảnh Bình Nhưỡng đang tìm cách tăng cường năng lực quốc phòng lên "hàng nghìn lần".
Hình ảnh duy nhất được KCNA công bố sau vụ phóng thử cho thấy hình dáng tên lửa Hwasong-8, trong đó nổi bật là phần mũi đặc biệt với cánh lái lớn. Các nỗ lực chỉnh sửa hình ảnh lúc đó để có cái nhìn rõ hơn về kết cấu quả đạn đều không mang lại kết quả rõ ràng.
Giới chuyên gia đánh giá kết cấu động cơ của Hwasong-8 giống với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-14 được Triều Tiên phóng thử năm 2017, trong đó quả đạn được trang bị một động cơ chính và 4 động cơ nhỏ để điều chỉnh đường bay.
Các mẫu đầu đạn lướt siêu vượt âm thường được phóng bằng ICBM để đạt tốc độ và độ cao tối ưu, sau đó đầu đạn sẽ tách rời và lướt về phía mục tiêu với tốc độ trên 6.200 km/h. Phần lớn hành trình của chúng ở trong khí quyển và đầu đạn có khả năng cơ động cao, khác với quỹ đạo bay ổn định ngoài khí quyển của đầu đạn ICBM thông thường.
Tốc độ lớn, khả năng cơ động và đường bay thấp trong khí quyển khiến đầu đạn siêu vượt âm trở thành mục tiêu rất khó phát hiện và đánh chặn so với tên lửa đạn đạo truyền thống, đặt ra thách thức lớn với mọi lưới phòng không hiện đại.
Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn tỏ ý hoài nghi về năng lực phát triển tên lửa siêu vượt âm của Triều Tiên. Chang Young-keun, chuyên gia tên lửa tại Đại học Hàng không Hàn Quốc, cho rằng cuộc thử nghiệm hồi tháng 9 của Triều Tiên đã thất bại, khi một số nguồn tin tình báo của Seoul tiết lộ đầu đạn "siêu vượt âm" này chỉ đạt tốc độ gấp 2,5 lần vận tốc âm thanh (Mach 2,5), thay vì đạt tốc độ tối thiểu Mach 5 để đáp ứng tiêu chí về vũ khí siêu vượt âm.
"Công nghệ đầu đạn lướt siêu vượt âm (HGV) của Triều Tiên không thể sánh được với Mỹ, Nga và Trung Quốc. Dường như họ đang tập trung vào loại vũ khí tầm ngắn có thể đe dọa Hàn Quốc và Nhật Bản", Chang nhận xét.
Vũ Anh (Theo Drive)