"Cần phải làm rõ rằng chúng tôi chưa thấy có bất cứ lý do gì để điều chỉnh trạng thái hạt nhân chiến lược của mình cũng như không thấy dấu hiệu nào về việc Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân", người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ J. Todd Breasseale ngày 7/10 cho biết.
Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Patrick Ryder ngày 6/10 nói với các phóng viên rằng cơ quan này chưa nhận được bất cứ thông tin nào có thể khiến họ thay đổi trạng thái hạt nhân liên quan đến Nga.
Tuyên bố từ Lầu Năm Góc được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo thế giới đang lần đầu đối mặt nguy cơ "Ngày tận thế hạt nhân" kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Ông Biden khẳng định Tổng thống Nga Vladimir Putin "không nói đùa khi cảnh báo sẵn sàng triển khai vũ khí hạt nhân trên chiến trường Ukraine".
Tổng thống Putin ngày 21/9 nói rằng Nga có thể sử dụng mọi công cụ sẵn có, kể cả các loại "vũ khí với mức độ hủy diệt khác nhau", để bảo vệ "toàn vẹn lãnh thổ".
Thứ trưởng ngoại giao Nga Sergey Ryabkov ngày 23/9 giải thích cảnh báo của ông Putin, khẳng định Nga không đe dọa bất cứ ai bằng vũ khí hạt nhân, thay vào đó cảnh báo phương Tây rằng "hành vi can thiệp của họ vào Ukraine tiềm ẩn nguy cơ cao".
Tuy nhiên, giới chức phương Tây và Ukraine đều cho rằng phải xem xét cảnh báo từ lãnh đạo Nga "một cách nghiêm túc", đồng thời bày tỏ lo ngại nguy cơ các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật cỡ nhỏ có thể được sử dụng trên chiến trường Ukraine.
Nga là cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới tính theo số lượng đầu đạn hạt nhân mà nước này sở hữu. Nga có 5.977 đầu đạn hạt nhân, trong khi Mỹ có 5.428 đầu đạn, theo Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ.
Ngọc Ánh (Theo Politico)