Sau sự sụp đổ của Kabul tháng trước khởi nguồn từ chiến dịch rút quân vội vàng của Mỹ, nhiều nhà quan sát chính sách đối ngoại nhận định Washington không còn hứng thú với các đồng minh và các đồng minh cũng mất niềm tin vào Mỹ.
Michael Fullilove, giám đốc điều hành Viện Lowy ở Sydney và từng là cố vấn thủ tướng Australia, cho biết khi nhìn những gì diễn ra trong tháng 8, nhiều người cho rằng Washington không còn là đối tác đáng tin cậy trong mắt các đồng minh. Một cựu nhân viên tình báo Anh nói rằng chiến dịch quân sự Afghanistan kết thúc trong hỗn loạn đã đánh dấu "sự chấm dứt của kỷ nguyên chủ nghĩa tự do và dân chủ của phương Tây".
Nhiều thành viên bảo thủ đã chỉ trích Tổng thống Joe Biden. Nhiều bình luận viên, từng ủng hộ cuộc chiến tranh Iraq của tổng thống George W. Bush, giờ tuyên bố quyết định rút quân của Biden đã khiến niềm tin của họ vào nước Mỹ tan vỡ.
Tuy nhiên, tuần trước, Australia, Mỹ và Anh bất ngờ thông báo về thỏa thuận an ninh ba bên AUKUS, hứa hẹn về mối quan hệ công nghệ và quân sự chặt chẽ hơn giữa ba nước và kế hoạch phát triển hạm đội tàu ngầm hạt nhân Australia. Thông báo được xem như lời nhắc nhở về tiềm năng lâu dài của mạng lưới đồng minh Mỹ.
"Mỹ vẫn sẽ là quốc gia giàu có và hùng mạnh nhất trong những năm tới, quốc gia duy nhất có khả năng triển khai lực lượng ở bất kỳ nơi nào trên Trái Đất", Fullilove nhận định. "Washington không thể có mọi thứ họ muốn, nhưng sức mạnh của Mỹ không thể thay thế".
Hầu hết đồng minh Mỹ đều nhận thức được điều này. Australia là một ví dụ. Trong suốt 7 thập kỷ qua, Australia luôn xem Mỹ là một đồng minh hùng mạnh và đáng tin cậy. Hai nước đã sát cánh trong mọi cuộc xung đột lớn của thế kỷ 20 và 21.
Nội bộ Australia luôn tranh luận về Mỹ. Việc Australia tham gia cuộc chiến Iraq cùng quân đội Mỹ không được dư luận trong nước ủng hộ. Cách xử lý đại dịch Covid-19 không mấy ấn tượng của Mỹ đã khiến nhiều người Australia lo lắng và nhiều hành động của cựu tổng thống Donald Trump cũng khiến họ không hài lòng. Tuy nhiên, sự ủng hộ đối với đồng minh Mỹ vẫn khá nhất quán trong các khảo sát dư luận của Viện Lowy suốt gần hai thập kỷ qua.
Binh lính Australia đã chiến đấu ở Afghanistan nhiều năm, nên tháng 8 được xem là một tháng khó khăn. Nhưng quyết định rút quân khỏi Afghanistan của Mỹ không làm thay đổi tính toán của Canberra khi ký AUKUS.
Quyết định này cũng có liên quan tới mối quan hệ giữa Australia với Trung Quốc, theo Fullilove. Những năm gần đây, Canberra đã đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ Trung Quốc, gồm các lệnh trừng phạt thương mại sau khi Australia kêu gọi điều tra nguồn gốc Covid-19. Đáp lại, Australia đã tăng cường khả năng phục hồi trong nước, tăng chi tiêu quốc phòng và tăng cường quan hệ với các cường quốc khác trong khu vực, như Ấn Độ, Nhật Bản và Indonesia.
Một cuộc thăm dò năm nay của Viện Lowy chỉ ra lần đầu tiên, nhiều người Australia xem Trung Quốc là mối đe dọa an ninh hơn là đối tác kinh tế. Niềm tin vào Trung Quốc đã giảm nhanh chóng, khi chỉ 16% người Australia nói họ tin "rất nhiều" hoặc "phần nào" rằng Bắc Kinh hành xử có trách nhiệm với thế giới. Cách đây ba năm, tỷ lệ này là 52%.
Với AUKUS, Australia đã thắt chặt hơn liên minh truyền thống với Mỹ, đồng thời kéo Anh tham gia nhiều hơn vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
"Đây là một bước đi tham vọng đối với Australia, một dấu hiệu cho thấy quốc gia này dự định định hình thế giới bên ngoài và góp phần cân bằng cán cân quyền lực", Fullilove cho hay.
Chuyên gia này thêm rằng thông qua thỏa thuận, Mỹ tìm cách tăng cường năng lực quân sự của Australia, cũng như tăng đoàn kết giữa ba đồng minh. Trong khi đó, London đặt cược vào hiệp ước để chứng minh vị thế và tham vọng toàn cầu của Anh.
"Với hiệp ước này, ba nước đều đặt cược sự tín nhiệm với nhau về lâu dài", Fullilove viết.
Với Australia, hiệp ước vừa là cơ hội vừa là rủi ro. Tàu ngầm hạt nhân có thể giúp Canberra tăng khả năng răn đe, nhưng sẽ "chọc giận" Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của họ. Australia cũng cần chứng minh động thái này không nhằm leo thang căng thẳng, mà chỉ nhằm góp phần vào ổn định khu vực và phù hợp với cam kết của Canberra về trật tự thế giới dựa trên luật lệ.
Thỏa thuận AUKUS đã khiến Pháp tức giận, sau khi vuột mất thương vụ tàu ngầm trị giá hơn 40 tỷ USD với Australia. Pháp đã triệu hồi đại sứ ở Mỹ và Australia để phản đối thỏa thuận. Fullilove cho rằng Australia lẽ ra cần khéo léo hơn trong cách rút khỏi thỏa thuận, trong khi Washington và Canberra nên tìm cách xoa dịu căng thẳng với Pháp.
"Pháp là một cường quốc quan trọng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và cũng là bên ủng hộ quan trọng cho việc châu Âu tham gia vào khu vực", Fullilove cho hay.
AUKUS là một diễn biến bất ngờ, không chỉ với Pháp. Việc Mỹ chấp nhận chia sẻ công nghệ hạt nhân tuyệt mật trên tàu ngầm thể hiện cho mối quan hệ thân cận, điều mà họ chỉ từng trao cho Anh và không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ lặp lại với nước nào khác ngoài Australia.
Nhưng Australia không phải là cường quốc duy nhất của châu Âu muốn gắn kết nhiều hơn với Mỹ. Tại Nhà Trắng tuần này, Biden sẽ có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên với các lãnh đạo Bộ Tứ, gồm Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản.
Đối với hầu hết quốc gia châu Á, Mỹ vẫn là một đối tác vô giá. Sự hiện diện của Washington mang lại sự cân bằng cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Rất ít nước muốn khu vực này bị chi phối bởi sức mạnh của Trung Quốc. Thay vào đó, họ thích sự cân bằng lực lượng, với đồng thuận về chuẩn mực quốc tế và luật pháp cùng với sự hiện diện lâu dài của Mỹ.
"Tháng 8 thật khó khăn với Mỹ và đồng minh. Nhưng sự phán xét của thế giới về sức mạnh của Mỹ là quá sớm. Mọi thứ có vẻ tươi sáng hơn vào tháng 9", Fullilove nhận định.
Thanh Tâm (Theo The Atlantic)