Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng (DSCA) thuộc Lầu Năm Góc hôm qua thông báo Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt hợp đồng tiềm năng để hỗ trợ kỹ thuật, huấn luyện và cung cấp trang thiết bị cho hệ thống phòng không Patriot của đảo Đài Loan với tổng trị giá 95 triệu USD.
"Thương vụ được đề xuất sẽ giúp duy trì mật độ tên lửa và bảo đảm khả năng sẵn sàng chiến đấu của bên nhận hàng. Đài Loan sẽ tận dụng các trang thiết bị và quá trình huấn luyện để xây dựng khả năng răn đe với những mối đe dọa trong khu vực, cũng như củng cố khả năng phòng thủ", thông cáo có đoạn.
Thương vụ đã được thông báo cho quốc hội Mỹ, cơ quan này sẽ có 30 ngày để quyết định có chặn hợp đồng hay không. Nếu không gặp sự phản đối từ quốc hội, thương vụ sẽ được trình lên Tổng thống Joe Biden ký phê duyệt.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay phản đối động thái này. "Những hành động như vậy của Mỹ làm suy yếu quan hệ Trung - Mỹ và phá vỡ hòa bình ở eo biển Đài Loan. Trung Quốc kiên quyết phản đối và rất bất bình về vấn đề này", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm nay nói trong cuộc họp báo.
Ông Triệu nói rằng giới chức Trung Quốc coi việc Mỹ cung cấp vũ khí cho Đài Loan là vi phạm các thỏa thuận song phương và xâm phạm lợi ích quốc gia của Trung Quốc. "Mỹ nên hủy bỏ kế hoạch cung cấp vũ khí và ngừng tiến hành các cuộc tập trận quân sự với sự tham gia của Đài Loan", ông nói thêm.
Chính phủ Mỹ hồi tháng 2 cũng duyệt bán thiết bị và dịch vụ trị giá 100 triệu USD để đảo Đài Loan duy trì, bảo dưỡng và cải tiến các hệ thống tên lửa phòng không Patriot.
MIM-104 Patriot là tên lửa phòng không do Mỹ phát triển và được biên chế từ năm 1981. Biến thể PAC-2 có thể bắn trúng mục tiêu cách xa hơn 96 km, trong khi phiên bản PAC-3 mới nhất được nâng cấp toàn diện, có khả năng diệt các mối đe dọa trên không như tiêm kích, máy bay không người lái (UAV), tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.
Đài Loan vận hành 7 tổ hợp Patriot PAC-3 với khoảng gần 400 tên lửa đánh chặn được Mỹ bàn giao trong giai đoạn 2011-2015.
Trung Quốc luôn xem Đài Loan là phần lãnh thổ chờ thống nhất và không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực. Quân đội Trung Quốc vài năm gần đây liên tục gia tăng sức ép quân sự lên Đài Loan bằng các biện pháp truyền thống và phi truyền thống. Ngoài các chuyến bay áp sát hòn đảo với lượng phi cơ cao kỷ lục, quân đội Trung Quốc còn tiến hành nhiều cuộc diễn tập đổ bộ chiếm bờ biển ở khu vực gần Đài Loan.
Mỹ không thiết lập quan hệ chính thức với đảo Đài Loan, song là bên cung cấp vũ khí lớn nhất để hòn đảo phòng thủ. Giới chức Mỹ đang thúc đẩy nỗ lực hiện đại hóa lực lượng phòng vệ Đài Loan để quân đội Trung Quốc khó tấn công hòn đảo.
Vũ Anh (Theo AFP)