Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng (DSCA) thuộc Lầu Năm Góc hôm 20/10 thông báo Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt hợp đồng tiềm năng trị giá khoảng 450 triệu USD để cung cấp 32 tên lửa phòng không Standard Missile 6 (SM-6) Block I, ống bảo quản kiêm bệ phóng thẳng đứng, thiết bị kỹ thuật và hỗ trợ huấn luyện cho Nhật Bản.
"Thương vụ sẽ cải thiện năng lực phòng không và phòng thủ tên lửa đạn đạo của Nhật Bản trước các đối thủ tiềm tàng trong khu vực. Nó cũng mang đến cho liên minh an ninh Mỹ - Nhật những khí tài mới và hiện đại nhất, giảm sự phụ thuộc của Nhật Bản vào lực lượng Mỹ trong hoạt động phòng thủ. Nhật Bản sẽ không gặp vấn đề gì trong quá trình đưa tên lửa vào biên chế", thông cáo của DSCA có đoạn.

Tên lửa SM-6 phóng từ tàu chiến Mỹ trong đợt thử nghiệm năm 2017. Ảnh: US Navy.
Thương vụ đã được thông báo cho quốc hội Mỹ, cơ quan này sẽ có 30 ngày để quyết định có chặn hợp đồng hay không. Nếu không gặp sự phản đối từ quốc hội, thương vụ sẽ được trình lên Tổng thống Joe Biden ký phê duyệt.
Điều này sẽ giúp Nhật Bản trở thành quốc gia đầu tiên ngoài Mỹ triển khai tên lửa SM-6. Mỹ từ năm 2017 cũng cấp phép cho Hàn Quốc và Australia sở hữu SM-6, nhưng chưa có các động thái trên thực tế.
Cả Nhật, Hàn Quốc và Australia đều biên chế tàu chiến được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis Baseline 9, cho phép chiến hạm nhập dữ liệu mục tiêu từ lực lượng đồng minh vào tên lửa SM-6, nâng cao khả năng phát hiện và đánh chặn.
SM-6 là tên lửa phòng không trang bị cho lá chắn phòng thủ Aegis với khả năng đánh chặn máy bay và tên lửa hành trình của đối phương, đồng thời có thể được sử dụng như một loại vũ khí chống hạm. Mỗi quả đạn SM-6 có giá khoảng 5 triệu USD.
Tập đoàn vũ khí Raytheon từng nâng cấp phần mềm của SM-6 vào năm 2017 để tên lửa có khả năng đối phó tốt hơn với các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo tầm trung, đồng thời phát triển khả năng đối phó vũ khí siêu vượt âm.
"SM-6 hiện là khí tài duy nhất của Mỹ có khả năng phòng thủ trước tên lửa siêu vượt âm. Dự án ra đời nhằm đối phó những mục tiêu có tốc độ và khả năng cơ động cao", phó đô đốc Jon Hill, giám đốc Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ (MDA), cho biết trong một hội thảo kỹ thuật hồi tháng 2.
Quan chức Mỹ không cho biết phiên bản nào của dòng SM-6 có khả năng chặn tên lửa siêu vượt âm. Quân đội Mỹ đang biên chế phiên bản Block I và IA, đồng thời phát triển biến thể Block IB với thiết kế được điều chỉnh và trang bị động cơ lớn hơn. Nó dự kiến đạt tốc độ siêu vượt âm và cải thiện khả năng đánh chặn tên lửa đối phương.
Vũ Anh (Theo USNI)