Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng (DSCA) thuộc Lầu Năm Góc hôm 19/7 thông báo Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt hợp đồng tiềm năng trị giá 2,9 tỷ USD để cung cấp 969 tên lửa không đối không tầm trung AIM-120C-8 AMRAAM, cụm điều khiển dự phòng, mô hình huấn luyện, thiết bị kỹ thuật và hỗ trợ huấn luyện cho Đức.
"Thương vụ này sẽ hỗ trợ chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Mỹ thông qua cải thiện an ninh cho một đồng minh trong NATO, cũng là quốc gia có vai trò động lực quan trọng với ổn định chính trị và kinh tế ở châu Âu", thông cáo của DSCA có đoạn.
Lầu Năm Góc khẳng định thương vụ sẽ giúp Đức sở hữu loại vũ khí đối không hiện đại, cải thiện khả năng ứng phó các mối đe dọa hiện tại và tương lai. "Không quân Đức đã có sẵn tên lửa AMRAAM trong biên chế và sẽ không gặp khó khăn nào trong quá trình tiếp nhận lô vũ khí mới. Thương vụ này sẽ không làm thay đổi cán cân quân sự trong khu vực", DSCA cho hay.
Thương vụ đã được thông báo cho quốc hội Mỹ, cơ quan này sẽ có 30 ngày để quyết định có chặn hợp đồng hay không. Nếu không gặp sự phản đối từ quốc hội, thương vụ sẽ được trình lên Tổng thống Joe Biden ký phê duyệt.
AIM-120 AMRAAM là tên lửa dẫn đường bằng radar chủ động, có thể hoạt động trong nhiều điều kiện thời tiết khác nhau. Đầu dò radar chủ động cho phép tên lửa ứng dụng nguyên lý "bắn và quên", giúp máy bay không cần liên tục khóa mục tiêu sau khi phóng đạn và thoát ly khỏi đòn bắn trả của đối phương.
Phiên bản AIM-120A nguyên gốc có tầm bắn 50 km, trong khi biến thể AIM-120C-8 hiện đại được Mỹ bán cho đồng minh có thể đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách 180 km.
Đây là một trong những vũ khí đối không chính của tiêm kích Mỹ và đồng minh, bên cạnh tên lửa tầm ngắn AIM-9 Sidewinder. Nhà sản xuất Raytheon cho biết dòng AMRAAM đang trong biên chế của Mỹ và gần 40 quốc gia trên thế giới.
Vũ Anh (Theo Reuters)