"Sau khi xem xét kỹ lưỡng, Lữ đoàn Đặc nhiệm số 12 Azov của Ukraine đã vượt qua cuộc thẩm tra Leahy của Bộ Ngoại giao Mỹ", cơ quan này cho biết ngày 10/6, đề cập tới đạo luật Leahy ngăn chặn viện trợ quân sự của Mỹ cho các đơn vị nước ngoài bị xác định là vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết không tìm thấy bằng chứng về những vi phạm như vậy của lữ đoàn Azov. Một phát ngôn viên cơ quan này từ chối tiết lộ thời điểm dỡ lệnh cấm và liệu vũ khí Mỹ đã tới tay lữ đoàn Azov hay chưa.
Lữ đoàn Azov thành lập tháng 5/2014, ban đầu là nhóm dân quân cực hữu có tên Tiểu đoàn Azov. Nhóm bị Mỹ cấm sử dụng vũ khí cách đây khoảng một thập kỷ vì Washington xác định một số sáng lập viên ủng hộ quan điểm phân biệt chủng tộc, bài ngoại, cực đoan.
Vệ binh Quốc gia Ukraine tiếp nhận Tiểu đoàn Azov tháng 11/2014, đổi tên thành Biệt đội Đặc nhiệm Azov hay còn gọi là Trung đoàn Azov. Các thành viên của trung đoàn này từng cố thủ tại nhà máy thép Azovstal ở Mariupol tới tháng 5/2022 rồi đầu hàng lực lượng Nga. Bộ Nội vụ Ukraine tháng 2/2023 thông báo mở rộng đơn vị lên cấp lữ đoàn.
Ngoài tiến trình thẩm định của Bộ Ngoại giao Mỹ, luật phân bổ ngân sách của nước này nhiều năm cấm chuyển viện trợ cho Tiểu đoàn Azov. Theo các quan chức Mỹ, Tiểu đoàn Azov năm 2014 có cấu trúc khác Lữ đoàn Azov, hiện trực thuộc Vệ binh Quốc gia Ukraine, do đó hạn chế này không được áp dụng.
Các quan chức Ukraine cho biết hủy bỏ lệnh cấm đối với lữ đoàn Azov là ưu tiên hàng đầu, đồng thời cho rằng thành viên của đơn vị đã có thể chiến đấu hiệu quả hơn tại nhà máy Azovstal ở Mariupol nếu được tiếp cận với vũ khí Mỹ. Các thành viên của lữ đoàn cũng từng bị cấm tham gia khóa huấn luyện do quân đội Mỹ tổ chức.
Nga từ lâu nhận định các thành viên với tư tưởng phân biệt chủng tộc và cực đoan của lữ đoàn Azov là "bằng chứng cho thấy chính quyền Ukraine theo chủ nghĩa tân phát xít". Quyết định dỡ lệnh cấm lữ đoàn Azov dùng vũ khí Mỹ có thể thổi bùng chỉ trích từ Nga.
Nguyễn Tiến (Theo WP, AFP, AP)