Quân đội Mỹ thông báo tiêm kích F-35A cùng phi công, nhân viên bảo dưỡng và nhân viên hỗ trợ thuộc không đoàn 388 và không đoàn dự bị 419 của Mỹ được điều tới căn cứ không quân Spangdahlem tại Đức ngày 16/2.
"Các tiêm kích được triển khai tới Spangdahlem nhằm củng cố năng lực sẵn sàng tác chiến, nâng cao thế trận phòng thủ tập thể của NATO, tăng cường hơn nữa khả năng liên kết trên không với các đồng minh và đối tác", quân đội Mỹ cho biết, song không tiết lộ số tiêm kích F-35A được đưa tới châu Âu lần này.
Trước đó, không quân Mỹ đã triển khai 8 tiêm kích F-15E tới căn cứ Lask ở Ba Lan và điều chuyển 6 máy bay tiếp liệu KC-135 từ Anh tới căn cứ không quân Ramstein, Đức. 4 oanh tạc cơ B-52 cũng được điều tới Anh ngày 10/2.
Đợt tăng cường tiêm kích tàng hình tới châu Âu diễn ra trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh NATO tỏ ra hoài nghi về tuyên bố rút quân gần biên giới Ukraine của Nga, cho rằng Moskva chưa có những dấu hiệu hạ nhiệt thực sự trên thực địa và vẫn có thể tấn công nước láng giềng bất cứ lúc nào.
Mỹ và phương Tây trước đó cáo buộc Nga tập trung hơn 100.000 quân ở biên giới phía tây để lên kế hoạch tiến đánh Ukraine. Nga bác bỏ, khẳng định mọi hoạt động quân sự trên lãnh thổ là vấn đề nội bộ và chỉ nhằm mục tiêu diễn tập trước mối đe dọa từ kịch bản NATO mở rộng sang phía đông, đồng thời chỉ trích Mỹ và đồng minh phóng đại nguy cơ chiến tranh.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 15/2 thông báo các đơn vị thuộc Quân khu phía Tây và phía Nam đang trở về căn cứ sau khi hoàn thành diễn tập gần Ukraine. Động thái này được đánh giá là nhằm hạ nhiệt căng thẳng và bày tỏ thiện chí trong đàm phán.
Tuy nhiên, Ukraine và nhiều lãnh đạo phương Tây yêu cầu Nga có động thái rút quân thực chất. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng bác bỏ quan điểm cho rằng mối đe dọa ở biên giới Nga - Ukraine đã giảm bớt.
Nguyễn Tiến (Theo USAF, Hill)