"Chúng tôi đang nghiên cứu để bảo đảm đưa ra con số dự tính đúng đắn trong các phương án tác chiến và kế hoạch ứng phó khẩn cấp khắp thế giới. Chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp điều chỉnh cần thiết, nhằm bảo đảm Mỹ có kho dự trữ đạn phù hợp nếu điều gì đó xảy ra", Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley nói trong một sự kiện hôm 6/12.
Quân đội Mỹ đã chuẩn bị hàng loạt kế hoạch nhằm đề phòng xung đột tiềm tàng ở nhiều điểm nóng trên thế giới. Các phương án tác chiến như vậy đều phải đưa ra dự tính về số lượng binh sĩ, khí tài và dự trữ đạn cần thiết để lực lượng Mỹ duy trì khả năng chiến đấu trong thời gian dài.
Tướng Milley thêm rằng Lầu Năm Góc đang nghiên cứu tốc độ tiêu thụ đạn của Nga và Ukraine trong chiến sự để làm cơ sở cho nghiên cứu của mình.
Giới chức Mỹ ước tính Nga khai hỏa khoảng 20.000 viên đạn súng trường, đạn pháo và tên lửa mỗi ngày. Trong khi đó, Ukraine đáp trả với khoảng 7.000 quả đạn lựu pháo 155 mm, tên lửa phòng không Stinger và NASAMS, cùng hàng nghìn viên đạn súng bộ binh.
Phần lớn hỏa lực của Ukraine đến từ các gói hỗ trợ vũ khí được Mỹ chuyển ra tiền tuyến gần như hàng tuần. "Chúng ta không ở trong tình thế chỉ còn đủ đạn cho vài ngày, nhưng đang hỗ trợ một đối tác đang ở hoàn cảnh như vậy", Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Michael McCord cho biết.
Về lâu dài, Mỹ vẫn đối mặt với không ít thách thức trong đảm bảo kho dự trữ vũ khí cũng như cung cấp khí tài cho Ukraine. Các dây chuyền sản xuất của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ chưa được mở rộng quy mô để cung cấp vũ khí cho một cuộc xung đột lớn trên bộ, một số dây chuyền sản xuất khí tài đã ngừng hoạt động từ lâu.
Điều này gây áp lực lên kho dự trữ của Mỹ, đồng thời khiến các quan chức đặt câu hỏi liệu kho vũ khí của nước này có đủ lớn hay không. Họ cũng bày tỏ hoài nghi liệu Mỹ có khả năng ứng phó nếu một cuộc xung đột quy mô lớn nổ ra vào thời điểm này hay không.
Vũ Anh (Theo Reuters)