"Mỹ cam kết tiếp tục cung cấp cho Ukraine hỗ trợ cần thiết để tự vệ, trong đó có các tổ hợp phòng không tiên tiến", Tổng thống Joe Biden nói trong cuộc điện đàm ngày 10/10 với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky, song không nêu chi tiết loại khí tài.
Ông Zelensky sau đó tuyên bố phòng không "là ưu tiên số một trong hợp tác quốc phòng" giữa Ukraine và Mỹ. "Chúng tôi sẽ làm mọi thứ để củng cố lực lượng vũ trang của mình. Chúng tôi sẽ làm cho chiến trường trở nên đau đớn hơn cho đối phương", ông nói.
Trước đó, Lầu Năm Góc ngày 27/9 thông báo Mỹ sẽ bắt đầu chuyển giao hai Tổ hợp Phòng không Tiên tiến của Na Uy (NASAMS) cho Ukraine trong vài tháng tới, song chưa rõ thời điểm cụ thể.
Cuộc điện đàm giữa ông Biden và Zelensky diễn ra sau khi Nga phát động đợt tấn công quy mô lớn bằng tên lửa tầm xa nhằm vào hạ tầng năng lượng, chỉ huy quân sự và thông tin liên lạc tại Ukraine.
Giới chức Ukraine cho biết 11 hạ tầng chính tại 8 tỉnh bị tập kích tên lửa, khiến 12 người thiệt mạng và nhiều khu vực mất điện, nước hoặc không thể sưởi ấm.
Vụ tập kích tên lửa diễn ra ba ngày sau vụ nổ làm hư hại cầu Crimea nối giữa bán đảo cùng tên và vùng Krasnodar của Nga. Tổng thống Vladimir Putin cáo buộc Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) thực hiện vụ tấn công, gọi đây là hành vi khủng bố hạ tầng dân sự thiết yếu của Nga và cảnh báo nước này sẽ có phản ứng "rất quyết liệt và quy mô tương ứng mối đe dọa nhằm vào Liên bang Nga".
Vụ tập kích ngày 10/10 là đòn tấn công dữ dội nhất nhằm vào Kiev sau nhiều tháng yên tĩnh. Lần gần nhất thủ đô Ukraine bị tập kích trước đó là ngày 26/6. Giao tranh giữa lực lượng Nga và Ukraine hiện tập trung chủ yếu ở khu vực Kharkov ở vùng đông bắc và Kherson ở miền nam nước này.
Tổng thống Zelensky cáo buộc Nga muốn xóa sổ Ukraine, trong khi chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak cho rằng các cuộc tấn công tên lửa vào loạt thành phố Ukraine là "tín hiệu cho thế giới văn minh rằng vấn đề nước Nga phải được giải quyết bằng vũ lực".
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)