Khí cầu Trung Quốc mà Lầu Năm Góc tuyên bố đang do thám các địa điểm quân sự nhạy cảm đã bị bắn hạ trên lãnh hải Mỹ hôm 4/2. Các mảnh vỡ của nó trải dài trên một khu vực rộng lớn ngoài khơi bờ biển Nam Carolina.
Sau khi khí cầu bị bắn hạ, Mỹ đã triển khai nhiều tàu và thợ lặn của hải quân cùng tuần duyên để thu thập các mảnh vỡ trên biển, trong đó đặc biệt chú ý đến những thiết bị mà nó mang theo.
Các quan chức quốc phòng Mỹ ngày 6/2 cho biết một số mảnh khí cầu đã được thu hồi trong vùng biển có diện tích khoảng 2,25 km2. Quá trình này khá phức tạp do sóng lớn và khả năng mảnh vỡ gồm cả những vật liệu nguy hiểm như chất nổ hay các bộ phận của pin.
"Chúng tôi chưa thể biết chính xác tất cả những lợi ích sẽ thu được khi phân tích mảnh khí cầu. Nhưng chúng tôi đã biết nhiều chi tiết kỹ thuật về khí cầu này và khả năng giám sát của nó", một quan chức quốc phòng hàng đầu Mỹ nói hồi cuối tuần. "Và tôi cho rằng nếu chúng tôi phục hồi thành công những chi tiết của khí cầu, chúng sẽ còn tiết lộ nhiều thông tin hơn".
Các mảnh khí cầu dự kiến được đưa đến phòng thí nghiệm ở Quantico, bang Virginia để các chuyên gia FBI và cơ quan tình báo phân tích. Giới quan sát cho rằng việc xem xét những chi tiết cấu tạo nên khí cầu sẽ là chìa khóa giúp các điều tra viên Mỹ tìm ra mục đích và năng lực của nó.
Iain Boyd, giáo sư khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ tại Đại học Colorado Boulder, cho biết những lời giải thích từ cả Bắc Kinh và Washington liên quan đến khí cầu đến nay đều chưa rõ ràng.
Trong khi Mỹ cho rằng đây là "khí cầu do thám" mang theo cả tấn thiết bị, cảm biến có thể giám sát, theo dõi, thu thập thông tin tại các căn cứ quân sự, Trung Quốc khẳng định đó chỉ là một thiết bị đo đạc khí tượng bị chệch hướng.
"Thông tin từ cả hai phía đều gây hoài nghi và đây là một phần thú vị về tất cả những gì đang diễn ra", ông nói. "Tôi nghĩ sự thật nằm ở đâu đó giữa tuyên bố của hai bên".
Theo Boyd, nếu các đội cứu hộ thu hồi đủ thiết bị, họ có thể biết được lượng thông tin chứa trong chúng, loại thông tin nào đang được xử lý và liệu có bất kỳ dữ liệu nào đã được gửi về Trung Quốc hay chưa.
Ông cho hay việc mổ xẻ các chi tiết của khí cầu và tìm hiểu về động cơ cánh quạt hay thiết bị liên lạc trên đó cũng sẽ giúp xác định nó có khả năng điều chỉnh hướng bay hoặc điều khiển từ xa hay không.
Ngay cả khi phần mềm trên thiết bị bị hỏng hoặc dữ liệu đã bị xóa bằng cách nào đó, Boyd lưu ý các nhà điều tra vẫn có thể phân tích những thứ như độ phân giải hay chất lượng hình ảnh giám sát mà khí cầu đã chụp.
"Sẽ rất ngạc nhiên nếu có bất kỳ công nghệ nào trên thiết bị đó mà Mỹ chưa sở hữu dạng tương đương, nhưng nó sẽ cung cấp cho các cơ quan tình báo hiểu biết về việc Trung Quốc đã phát triển đến đâu trong lĩnh vực này", ông nói.
Gregory Falco, phó giáo sư tại Khoa Kỹ thuật Hệ thống và Dân dụng thuộc Đại học Johns Hopkins, dự đoán Mỹ sẽ tập trung tìm kiếm các cảm biến trong những gì còn lại của khí cầu nhằm tìm hiểu Trung Quốc muốn gì từ nó.
Nhưng đây không phải nhiệm vụ dễ dàng, vì các cảm biến thường rất nhỏ và dễ bị hư hại sau khi quân đội Mỹ dùng tên lửa bắn hạ khí cầu.
Theo Falco, Trung Quốc, giống như Mỹ, là một "đối thủ khá thông minh" và có lẽ cũng đã lên kế hoạch để khí cầu tự hủy hoặc xóa dữ liệu nếu nó thực sự là thiết bị do thám.
"Bắn hạ nó chỉ là cách để thể hiện sức mạnh, bởi tôi không chắc chúng ta sẽ thu được gì từ việc làm đó", ông lưu ý. Tuy nhiên, thông tin từ khí cầu bị bắn rơi có thể giúp các quan chức Mỹ "hiểu đối thủ hơn một chút".
Falco cho biết thêm Mỹ còn có thể khám phá ra cách thức dữ liệu do khí cầu thu thập được chuyển về cho Bắc Kinh. Trung Quốc có thể đã sử dụng một "mạng lưới bán vệ tinh", dùng những thiết bị truyền phát ở độ cao lớn để chuyển tiếp dữ liệu tới vệ tinh gần nhất của họ. Khi vệ tinh ở trong vùng an toàn, nó sẽ kết nối với trạm mặt đất hoặc ăng-ten Trung Quốc có chức năng như một hệ thống điều khiển.
Trung Quốc có "nhiều trạm điều khiển mặt đất được xây dựng ở nước ngoài", Falco nói. Miễn là khí cầu có thể kết nối với vệ tinh, nó sẽ có khả năng liên kết với trạm mặt đất, từ đây, Trung Quốc sẽ "thu được dữ liệu họ cần" và tiêu hủy khí cầu khi nó không còn cần thiết.
Vũ Hoàng (Theo BBC)