Trong thông cáo ngày 19/4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết việc Nga hạn chế đi lại đối với tàu quân sự và công vụ nước ngoài ở một số vùng thuộc Biển Đen là "động thái leo thang vô cớ khác trong chiến dịch gây bất ổn và phá hoại ở Ukraine".
"Diễn biến này đặc biệt đáng lo ngại trong bối cảnh Nga tăng cường lực lượng ở Crimea và quanh khu vực biên giới với Ukraine ở mức chưa từng có kể từ khi nước này sáp nhập bán đảo trên năm 2014", Price cho biết.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 15/4 thông báo cấm tàu quân sự và công vụ nước ngoài đi qua một số khu vực thuộc Biển Đen trong 6 tháng, bắt đầu từ ngày 24/4 và kết thúc ngày 31/10.
Lệnh hạn chế đi lại sẽ ảnh hưởng tới mũi phía tây và bờ biển phía nam của bán đảo Crimea, từ Sevastopol đến Hurzuf, cùng một vùng biển hình chữ nhật ngoài khơi bán đảo Kerch gần Khu bảo tồn thiên nhiên Opuksky.
Một trong những khu vực bị ảnh hưởng bởi lệnh hạn chế đi lại của Nga nằm gần eo biển Kerch nối giữa Biển Đen và biển Azov. Tuyến đường biển chạy qua eo biển Kerch mang tính thiết yếu với hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và thép từ Ukraine.
Động thái hạn chế đi lại một phần Biển Đen diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine. Nga điều động lượng lớn quân nhân và khí tài đến gần biên giới với Ukraine và bán đảo Crimea, đồng thời tổ chức nhiều cuộc diễn tập hải quân ở Biển Đen trong tuần.
Đại diện cấp cao về đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell ngày 19/4 cho biết hơn 150.000 lính Nga đang tập kết gần biên giới Ukraine và tại Crimea, đồng thời cảnh báo "nguy cơ leo thang căng thẳng rất rõ ràng". Tuy nhiên, một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết lượng quân nhân Nga ở biên giới chỉ khoảng vài chục nghìn và chưa có thông tin tình báo nhắc tới con số 150.000.
Nga triển khai nhiều khí tài gồm xe tăng, pháo và thiết giáp hạng nặng tới khu vực gần biên giới với Ukraine từ cuối tháng 3. Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Nikolai Patrushev hôm 7/4 tuyên bố Moskva không có ý định can thiệp vào xung đột tại miền đông Ukraine, thêm rằng Nga đang theo dõi sát tình hình và có thể áp dụng "những biện pháp cứng rắn tùy theo diễn biến".
Giới quan sát cho rằng động thái điều quân của Nga có thể nhằm răn đe Ukraine mở chiến dịch tấn công lực lượng ly khai thân Moskva ở miền đông, đồng thời phát tín hiệu cứng rắn tới chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)