"Kế hoạch này bị hủy vì nhiều lý do, bao gồm cả mong muốn không chọc giận Moskva trong thời điểm nhạy cảm", một quan chức Mỹ giấu tên am hiểu tình hình cho biết hôm 15/4, đề cập tới quyết định hủy chuyến di chuyển qua eo biển Bosphorus để vào Biển Đen của tàu khu trục USS Roosevelt và USS Donald Cook.
Một quan chức khác cho biết các động thái của hải quân Mỹ có thể thường xuyên được điều chỉnh tùy vào tình hình bảo dưỡng khí tài và thay đổi trong kế hoạch tác chiến. "Đợt di chuyển dự kiến tới Biển Đen của hai tàu chiến Mỹ không phải động thái bất thường hay mang thông điệp nào, do hải quân Mỹ thường thực hiện 8-9 chuyến đi như vậy mỗi năm. Lầu Năm Góc hủy kế hoạch vì lo ngại căng thẳng giữa Nga và Ukraine", người này cho hay.
Thổ Nhĩ Kỳ tuần trước tuyên bố đã được thông báo qua các kênh ngoại giao rằng tàu khu trục USS Roosevelt và USS Donald Cook sẽ vượt eo biển Bosphorus vào ngày 14/4, tiến vào Biển Đen và ở lại khu vực này tới ngày 4/5. Tuy nhiên, hãng thông tấn nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu hôm qua đưa tin đợt triển khai này của tàu chiến Mỹ đã bị hủy.
"USS Roosevelt và USS Donald Cook đang làm nhiệm vụ an ninh hàng hải ở Địa Trung Hải. Chúng vẫn còn cách Biển Đen vài ngày di chuyển khi quyết định được đưa ra, nên không phải đột ngột đổi hướng", một quan chức Mỹ tiết lộ.
Washington phải thông báo cho Ankara ít nhất 15 ngày trước khi đưa tàu chiến đi qua eo biển Bosphorus và Dardanelles theo Công ước Montreux năm 1936. Đây là công ước cho phép tàu chiến nước ngoài triển khai ở Biển Đen trong vòng 21 ngày.
Mỹ định kỳ triển khai tàu chiến đến khu vực này để hỗ trợ Ukraine khi chiến sự ở miền đông Ukraine nổ ra từ năm 2014 giữa quân đội Ukraine với lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn. Nga đã sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine cùng thời điểm, mở ra cuộc đối đầu với phương Tây kéo dài tới nay.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần này đã điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Biden đề xuất họp thượng đỉnh với Putin ở một nước trung lập, kêu gọi Nga "giảm căng thẳng".
Vũ Anh (Theo Politico)