"Thông báo đơn phương cấm đánh bắt cá trên Biển Đông của Trung Quốc không nhất quán với phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế năm 2016 và luật pháp quốc tế. Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc tuân thủ các thỏa thuận theo thông lệ quốc tế", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết hôm 2/6.
Phát biểu được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Philippines thông báo gửi công hàm phản đối lệnh cấm đánh bắt cá mà Trung Quốc đơn phương áp đặt trên Biển Đông, cũng như triệu quan chức tại đại sứ quán Trung Quốc ở Manila để phản đối vụ tàu hải cảnh Trung Quốc có hành vi quấy rối tàu RV Legend đang "thực hiện nghiên cứu khoa học hàng hải" trên Biển Đông.
Trung Quốc bắt đầu đơn phương áp đặt lệnh đánh bắt cá hàng năm từ năm 1999, bao gồm nhiều khu vực ở Biển Đông cũng như các vùng biển khác ngoài khơi Trung Quốc.
Bắc Kinh hồi tháng 4 tuyên bố thực thi lệnh cấm đánh bắt cá mùa hè từ 1/5 đến 16/9, áp dụng tại khu vực Bột Hải, Hoàng Hải, biển Hoa Đông và một phần Biển Đông từ vĩ tuyến 12, trong đó gồm một phần vịnh Bắc Bộ, quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam và bãi cạn Scarborough, nơi Philippines tuyên bố chủ quyền.
Trong thông cáo ngày 29/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định một phần lệnh cấm đánh bắt trên Biển Đông do Trung Quốc đơn phương công bố vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác định theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc ký năm 2000.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam khi triển khai các biện pháp bảo tồn nguồn tài nguyên sinh vật ở khu vực Biển Đông, không làm phức tạp tình hình, đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định, trật tự ở khu vực Biển Đông.
Vũ Anh (Theo AFP)