"Thật ra tác giả đâu có thèm quan tâm em trai, người mà anh ấy lo chính là mẹ. Đưa mẹ lên thành phố chăm lo thì không được, để mẹ ở dưới quê thì bị bọn đòi nợ khủng bố. Nếu là các bạn thì phải làm sao? Mặc kệ mẹ mình luôn à?
Tôi từng sống chung với cậu ruột mê cờ bạc. Mẹ tôi rất muốn buông bỏ nhưng không nỡ vì còn ngoại. Ngoại rất thương cậu, mẹ tôi đưa bao nhiêu tiền cho ngoại đều vào tay cậu hết, trong khi ngoại sống kham khổ để dành tiền cho cậu.
Mẹ tôi thật chất không lo cho cậu mà chỉ lo cho ngoại, nhưng lo cho ngoại đồng nghĩa lo cả cho cậu. Vậy thì phải làm sao? Bỏ mặc ngoại à? Trường hợp bạn tác giả (và cả mẹ tôi) là hình mẫu của những gia đình có con nghiện".
Độc giả nickname IT_kid chỉ ra lý do nhiều người gánh nợ cho người thân cờ bạc hết lần này đến lần khác là vì muốn tìm kiếm sự bình yên cho các thành viên khác trong gia đình. Bình luận được viết sau bài 'Có 150 triệu đồng mà sao con không cho em mượn trả nợ'.
Cùng chủ đề liên quan, sau bài Ôm nợ 700 triệu đồng và mất hết nhân cách, độc giả này tiếp tục chỉ ra vòng luẩn quẩn của một con nghiện cờ bạc 'báo' gia đình:
"Từ nhỏ tôi sống chung với người cậu ruột nghiện cờ bạc, lớn lên đi làm cũng có một vài đồng nghiệp nghiện cờ bạc, sau này làm ăn riêng cũng có một vài nhân viên nghiện cờ bạc, người thân nội, ngoại và cả bên vợ cũng có một số người nghiện cờ bạc.
Mẫu số chung của các trường hợp này là kết cục chẳng có gì tốt đẹp cho bản thân cũng như người thân bên cạnh (tôi cũng không ít lần là nạn nhân).
Riêng tôi từ nhỏ cũng là con bạc, nhưng không nghiện, cũng từng trải qua những cảm giác cay cú hơn thua, nhưng tôi chưa từng gây nợ, chưa từng làm phiền người thân, bạn bè.
Tuy nhiên, sau khi có gia đình tôi đã rất hiếm khi chơi (thường thì những ngày lễ tết với những mức cược khá nhỏ). Tôi nghĩ bản thân đủ trải nghiệm và kinh nghiệm để đánh giá về nạn nghiện cờ bạc. Theo kinh nghiệm của tôi, những người bắt đầu tham gia cờ bạc khi ổn định tài chính thì càng khó thoát ra, vì họ không có kinh nghiệm kiểm soát cảm xúc, trong khi dư thừa khả năng tài chính.
Thật ra không hiếm người vượt qua được vỡ nợ, nhưng con bạc vượt qua được cảnh vỡ nợ theo thôi nhớ thì chưa thấy ai. Toàn dựa vào lòng thương hại của gia đình, bạn bè để "vượt qua", nhưng sau khi vượt qua thì cảm giác "hối hận" sẽ biến mất.
Tin tôi đi, cảm giác hối hận hiện tại của bạn là rất thật, nhưng sẽ không còn khi vượt qua giai đoạn khó khăn.
Đây là vòng luẩn quẩn của những con nghiện cờ bạc:
1. Tò mò và bắt đầu tham gia vào các trò cờ bạc.
2. Mới đầu chơi nhỏ nhưng thắng ít hoặc thua ít.
3. Thắng ít thì muốn thắng nhiều hơn và thua ít thì muốn gỡ lại, vì vậy tiền cược sẽ tăng dần theo cuộc chơi.
4. Bắt đầu nghiện cờ bạc, chơi thường xuyên hơn và trong đầu luôn nghĩ về cờ bạc ở mọi lúc mọi nơi.
5. Bắt đầu thua nhiều và vay nợ, cầm cố, trộm cắp, cướp giật... Nói chung là làm mọi cách để có tiền chơi tiếp.
6. Vỡ nợ, ăn năn hối hận, cầu xin người thân, bạn bè tha thứ. Trong lòng đầy quyết tâm bỏ cờ bạc để làm lại từ đầu nếu được cứu giúp và tha thứ.
7. Quay lại với công việc cũ với đầy quyết tâm.
8. Vì quen những số tiền mệnh giá lớn nên không quen được công việc lương bèo bọt, muốn kiếm nhiều tiền nhưng cả thanh xuân dành cho cờ bạc, nên không có chuyên môn gì để có được thu nhập cao.
9. Chán nản nên lại nghĩ tới cờ bạc, muốn dùng nó để gỡ lại những gì đã mất, quyết tâm lấy lại đủ thì sẽ dừng.
10. Lặp lại từ bước 3.
Chỉ ai dừng lại ở bước 2 mới không bị cuốn vào vòng xoáy cờ bạc. Số vòng lặp càng nhiều thì khả năng thoát ra càng nhỏ dần".
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.