Nhật Bản đang hứng chỉ trích từ một số láng giềng ở Đông Á sau khi bắt đầu xả nước thải phóng xạ đã qua xử lý ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ra Thái Bình Dương từ 24/8. Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) cho hay nước thải này đã được tách các thành phần nguy hiểm, nhưng không thể loại bỏ tritium, một trong hai đồng vị phóng xạ của hydro.
Lượng nước này được TEPCO bơm vào để làm mát ba lõi phản ứng tan chảy do thảm họa kép động đất, sóng thần năm 2011 phá hủy một phần nhà máy Fukushima Daiichi. Nước làm mát cùng nước mưa nhiễm phóng xạ được TEPCO thu gom, chứa trong khoảng 1.000 bể thép được đặt tại khuôn viên nhà máy.
Sau 13 năm, các bể này đã chứa 1,34 triệu tấn nước và TEPCO không còn chỗ để lưu trữ thêm, buộc phải xử ra biển. Lượng nước thải này chứa tổng cộng khoảng 860 nghìn tỷ becquerel (đơn vị đo cường độ phóng xạ, viết tắt là Bq). Nhật sẽ giới hạn mức thải 22 nghìn tỷ Bq tritium ra biển mỗi năm, dự kiến hoàn thành trong vài thập kỷ.
Tokyo và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) khẳng định kế hoạch xả thải của nhà máy Fukushima an toàn và nồng độ tritium trong nước thải không gây hại cho con người. Truyền thông Nhật cũng chỉ ra rằng các cơ sở điện hạt nhân trên thế giới đều xả nước thải có chứa tritium ra biển, với nồng độ cao hơn nhiều.

Lượng tritium trong nước thải ra hàng năm từ các cơ sở hạt nhân lớn trên thế giới. Đồ họa: METI
Số liệu do Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) công bố năm 2021 cho thấy nhà máy tái chế hạt nhân La Hague của Pháp thải khoảng 11.400 nghìn tỷ Bq tritium ra đại dương trong năm 2018.
Cơ sở tái chế hạt nhân Sellafield của Anh cũng xả nước thải chứa khoảng 423 nghìn tỷ Bq tritium ra biển trong năm 2019. Nhà máy điện hạt nhân Phúc Thanh, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, xả ra biển lượng nước thải chứa khoảng 52 nghìn tỷ Bq tritium năm 2020.
Năm 2021, thống kê của cơ quan quản lý hạt nhân Trung Quốc cho thấy 13 nhà máy của nước này đã xả lượng tritium nhiều hơn lượng dự kiến một năm của Fukushima Daiichi.
Nhà máy điện Tần Sơn, Chiết Giang, thải 218 nghìn tỷ Bq tritium mỗi năm. Nhà máy Dương Giang, Quảng Đông, thải khoảng 112 nghìn tỷ Bq tritium. Nhà máy Hồng Diên Hà, tỉnh Liêu Ninh thải khoảng 90 nghìn tỷ Bq.
Hàn Quốc, nước láng giềng với Nhật Bản, cũng xả lượng lớn nước thải chứa tritium ra biển. Theo thống kê của từ Sankei của Nhật, tổ hợp nhà máy điện hạt nhân Kori, cách cảng Busan khoảng 30 km, đã thải 50 nghìn tỷ Bq tritium ra biển năm 2018. Nhà máy điện hạt nhân Wolseong gần đó cũng xả 25 nghìn tỷ Bq ra đại dương.

Nhà máy điện hạt nhân Tần Sơn, tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc, ngày 17/5/2011. Ảnh: Reuters
Ngoài vai trò trung tâm công nghiệp, Busan, thành phố lớn thứ hai Hàn Quốc, còn là điểm đến du lịch hàng đầu, nổi tiếng với chợ hải sản lớn nhất nước. Các món hải sản tươi sống được đánh bắt và phục vụ như món sashimi được ưa chuộng tại đây.
Các chuyên gia Nhật cho rằng những gì diễn ra ở Busan "là ví dụ cho thấy tính khả thi của kế hoạch xả thải Fukushima". "Không có lý do gì Busan được phép xả thải, mà Fukushima lại bị cấm", Koji Okamoto, giáo sư kỹ thuật hạt nhân tại Trường Cao học Đại học Tokyo, từng làm việc tại Fukushima Daiichi, nói.
Giáo sư Okamoto cho hay vì Trung Quốc và Hàn Quốc đều thường xuyên xả nước thải chứa tritium ra biển, họ cần phản ứng với kế hoạch của Nhật một cách "bình tĩnh và khoa học hơn".
Phản ứng với thông tin này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay nước mà các nhà máy hạt nhân nước này xả ra biển là nước làm mát lò, khác với nước được bơm trực tiếp vào lò phản ứng đang nóng chảy.
"Có sự khác biệt cơ bản giữa nước tiếp xúc trực tiếp với nguồn ô nhiễm là lõi phản ứng tan chảy, và nước thải từ các nhà máy hạt nhân hoạt động bình thường", Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố. "Chúng khác nhau về bản chất, nguồn gốc và đòi hỏi quy trình xử lý khác nhau".
Trung Quốc đã cấm nhập khẩu toàn bộ sản phẩm thủy hải sản nguồn gốc Nhật Bản "nhằm ngăn chặn một cách toàn diện các rủi ro an toàn thực phẩm do ô nhiễm phóng xạ". Hàng loạt cuộc biểu tình cũng diễn ra tại nhiều nơi ở Nhật Bản, Hàn Quốc, phản đối quyết định xả thải từ Fukushima.

Nhà máy điện hạt nhân Kori ở Busan, đông nam Seoul, ngày 14/4/2011. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, Mỹ ủng hộ kế hoạch của Nhật Bản, cho biết "gần như toàn bộ" nhà máy hạt nhân ở nước này đều xả nước thải có hàm lượng phóng xạ thấp qua đường thủy.
Trên thực tế, chính phủ Hàn Quốc đã chấp nhận đánh giá từ IAEA, xác nhận kế hoạch xả thải của Nhật Bản an toàn. Theo Seoul, mức độ ô nhiễm nằm trong tiêu chuẩn chấp nhận được và không ảnh hưởng đáng kể đến các vùng biển của Hàn Quốc.
Hồi tháng 7, Liên minh châu Âu (EU) đã dỡ bỏ các hạn chế nhập khẩu đối với thực phẩm Nhật, hơn một thập kỷ sau thảm họa Fukushima.
Đức Trung (Theo Sankei, Youmiuri, NHK, Kyodo, Guardian)