Trong tháng 11 và tháng 12, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần lên tiếng về cuộc khủng hoảng Ukraine cũng như giải thích lý do nước này tập trung quân gần biên giới quốc gia láng giềng. Tại một cuộc họp báo ngày 23/12, ông cảnh báo Nga cần "đảm bảo" rằng Ukraine sẽ không bao giờ gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Cuộc họp báo này, diễn ra cách đây hơn một tháng, là lần cuối cùng Putin bình luận công khai về vấn đề Ukraine hay về việc Nga yêu cầu NATO thu hẹp hiện diện ở Đông Âu. Từ đó đến nay, ông kiên quyết giữ im lặng về cuộc khủng hoảng, ngay cả khi các nhà ngoại giao Nga và Mỹ tranh cãi gay gắt tại cuộc đàm phán về an ninh ở Geneva, Thụy Sĩ, Ukraine nhận được các lô vũ khí do phương Tây chuyển giao hay Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra dự đoán rằng Nga sẽ xâm lược Ukraine.
Tuy nhiên, không hẳn là Tổng thống Putin đang muốn né tránh ánh đèn sân khấu. Ông vẫn tham gia các sự kiện có máy quay gần như mỗi ngày. Đây thường là những cuộc họp được lên kế hoạch tỉ mỉ nhằm giúp ông chủ Điện Kremlin thể hiện quan điểm về những vấn đề nhạy cảm.
Hôm 19/1, Putin tổ chức một hội nghị trực tuyến video kéo dài hai tiếng rưỡi với các giám đốc điều hành Italy về hoạt động kinh doanh của họ tại Nga. Trong phát biểu khai mạc được phát sóng trên truyền hình, ông đề cập đến kế hoạch Moskva ứng cử đăng cai hội chợ thương mại quốc tế Expo 2030 và tập trung vào các cơ hội đầu tư năng lượng xanh. Ông không nhắc tới những lo ngại chiến tranh và các mối đe dọa trừng phạt khiến nền kinh tế Nga lung lay.
Theo giới quan sát, sự im lặng của Tổng thống Putin trước vấn đề Ukraine là một hành động có chủ đích nhằm khiến phương Tây hoang mang, không ngừng suy đoán về ý định của ông.
Nó trái ngược với những đồn đoán không ngừng ở Washington, nơi Tổng thống Biden liên tục nhận được câu hỏi về khả năng Nga động binh tấn công Ukraine.
Theo lời Điện Kremlin, Tổng thống Putin đang rất bận rộn. Trong hai tuần gần đây, ông đã điện đàm với các lãnh đạo Armenia, Azerbaijan, Cuba, Phần Lan, Israel, Kazakhstan, Nicaragua, Pakistan, Uzbekistan và Venezuela. Ông cũng tiếp đón Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tới thăm Moskva.
Song theo bình luận viên Anton Troianovski và Jason Horowitz, việc Tổng thống Putin kiên quyết giữ im lặng về Ukraine chắc chắn là một tín hiệu.
Tatiana Stanovaya, học giả từ Trung tâm Carnegie Moskva, người đã nghiên cứu Tổng thống Putin nhiều năm, cho biết có ba lời giải thích cho động thái này. Sau khi đưa ra lập trường cứng rắn vào cuối năm ngoái, yêu cầu phương Tây phải nhượng bộ ngay lập tức, Putin dường như nhận thấy rằng ông không cần thiết phải nhắc lại thông điệp và nhường công việc lại cho các nhà ngoại giao.
Cũng có thể ông nhìn thấy tia hy vọng về một thỏa thuận khả thi ở phía trước nên tránh nói bất kỳ điều gì vào lúc này. Hoặc ông có thể đã quyết định hành động quân sự và đang chuẩn bị thực hiện nó trong lúc chờ phản hồi từ phương Tây.
Thay vì thảo luận công khai về Ukraine, Putin hôm 19/1 tổ chức một cuộc họp trên truyền hình với các quan chức chính phủ, trong đó ông đề cập đến quy định về tiền điện tử và đại dịch Covid-19. Theo Vincenzo Trani, chủ tịch Phòng Thương mại Nga - Italy, hội nghị trực tuyến vào đầu ngày giữa Tổng thống Putin với các giám đốc điều hành doanh nghiệp Italy đã kéo dài hơn một tiếng so với kế hoạch.
Cuộc họp diễn ra "rất thân thiện", Trani nói. Nhưng không có bất kỳ đề cập nào đến các vấn đề địa chính trị lớn.
"Về vấn đề Ukraine, hoàn toàn không", Trani cho biết, thêm rằng thông tin duy nhất xuất hiện liên quan đến những lo ngại về căng thẳng leo thang là khi Tổng thống Putin trả lời câu hỏi của Trani về ổn định.
"Tôi đã nói rằng chúng ta cần một môi trường thực sự ổn định", Trani cho hay, giải thích rõ rằng ông muốn nhắc đến ổn định của cả khu vực.
Tổng thống Putin sau đó trả lời: "Tôi đang cố gắng đảm bảo ổn định, không chỉ về kinh tế vĩ mô mà còn về xã hội" cho các nhà đầu tư, điều mà ông hiểu rõ là rất quan trọng đối với những nhà khởi nghiệp.
Ngoài điều đó ra, theo Trani, vấn đề chính trị, dù của Nga hay Italy, đều không được thảo luận. Khi một giám đốc điều hành đặt ra câu hỏi liên quan đến chính trị Italy, một trong những đại biểu Nga tham dự cuộc họp đã trả lời rằng "chúng tôi chỉ muốn nói về kinh doanh".
Vũ Hoàng (Theo NY Times)