Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 25/1 cho biết đang cân nhắc áp đặt các biện pháp trừng phạt trực tiếp với người đồng cấp Vladimir Putin nếu Nga tấn công Ukraine. Ông chủ Nhà Trắng nói thêm rằng từng nhấn mạnh với Putin về "những hậu quả" nếu Ukraine bị tấn công.
Bình luận viên Ellen Knickmeyer của AP cho rằng Mỹ nắm trong tay nhiều vũ khí trừng phạt, từ cấm vận diện rộng nhằm vào nước Nga cho đến những phương án nhắm trực tiếp tới ông chủ Điện Kremlin, trong trường hợp Moskva có hành động quân sự trên lãnh thổ Ukraine.
Loại Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu
Loại bỏ Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên Ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) sẽ là một trong những biện pháp cứng rắn nhất mà Mỹ và các đồng minh châu Âu có thể áp dụng, gây thiệt hại nặng nề ngay tức thì và cả trong lâu dài đối với nền kinh tế Nga.
SWIFT cho phép các tổ chức tài chính, ngân hàng trên toàn thế giới gửi và nhận thông tin về giao dịch tài chính trong môi trường an toàn, tiêu chuẩn và đáng tin cậy. Tính đến năm 2015, SWIFT đã liên kết hơn 11.000 tổ chức tài chính tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Động thái này sẽ khiến Nga không thể thực hiện giao dịch tài chính quốc tế, trong đó có các khoản tiền xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt, vốn chiếm tới 40% nguồn thu ngân sách của nước này.
Phương Tây từng xem xét phương án trên hồi năm 2014, thời điểm Nga sáp nhập bán đảo Crimea và hậu thuẫn dân quân ly khai ở miền đông Ukraine. Moskva khi đó tuyên bố động thái loại họ khỏi SWIFT đồng nghĩa với tuyên chiến, khiến Washington và các đồng minh từ bỏ kế hoạch.
Nga sau đó đã tìm cách phát triển hệ thống giao dịch tài chính riêng nhưng chưa đạt nhiều thành công. Trong khi đó, Mỹ từng thành công trong thuyết phục SWIFT loại bỏ Iran khỏi hệ thống, nhằm trừng phạt tham vọng hạt nhân của nước này.
Tuy nhiên, loại bỏ Nga khỏi SWIFT cũng sẽ gây thiệt hại cho nhiều nền kinh tế phương Tây, trong đó có cả Mỹ và Đức. Giới lập pháp Mỹ tuần trước cho biết chính quyền Biden vẫn đang phân tích mức độ ảnh hưởng nếu thực thi biện pháp này. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã tỏ ý nghi ngờ hiệu quả của phương án trên.
Chặn Nga tiếp cận đồng USD
Đồng USD vẫn là một trong những vũ khí tài chính mạnh nhất của Mỹ nhằm đối phó Nga, khi nó thống trị hệ thống tài chính toàn cầu với hàng nghìn tỷ USD được giao dịch mỗi ngày. Giao dịch USD phải được Cục Dự trữ Liên bang hoặc các cơ quan tài chính Mỹ thông qua, đồng nghĩa các ngân hàng nước ngoài phải tiếp cận được hệ thống tài chính Mỹ để xử lý giao dịch.
Khả năng chặn quyền tiếp cận hệ thống này cho phép Washington mở rộng ảnh hưởng và tung đòn tài chính ra ngoài biên giới. Mỹ từng chặn nhiều tổ chức tài chính giao dịch bằng USD với cáo buộc họ vi phạm lệnh cấm vận nhằm vào những nước như Iran, Sudan.
Tổng thống Biden ám chỉ đây là một trong những biện pháp đang được Mỹ xem xét. Khác với SWIFT, đây là đòn trừng phạt mà Mỹ có thể tự thực hiện mà không cần sự tham gia của các đồng minh. Nó có thể gây tác động rất lớn, khi ngay cả những giao dịch đơn giản như mua sắm hoặc trả lương tại Nga cũng có thể bị cản trở.
Kiểm soát xuất khẩu
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki xác nhận Mỹ đang nghiên cứu phương án kiểm soát xuất khẩu, ngăn cản Nga tiếp cận những công nghệ cao được sử dụng trong hàng loạt thiết bị gắn liền với cuộc sống hiện đại.
Biện pháp này có thể đưa Nga vào nhóm các quốc gia bị cấm vận công nghệ chặt chẽ nhất gồm Cuba, Iran, Triều Tiên và Syria. Moskva sẽ bị hạn chế mua sắm vi mạch điện tử và những sản phẩm chứa mạch điện tử, do Washington đang thống trị ngành phần mềm, công nghệ và thiết bị điện tử toàn cầu.
Đòn trừng phạt này cũng nhằm vào nhiều ngành công nghiệp thiết yếu, trong đó có quốc phòng và hàng không dân dụng, cản trở tham vọng của Nga trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao.
Dù vậy, hạn chế xuất khẩu của Mỹ có thể thúc đẩy doanh nghiệp tìm đến những phương án thay thế ở các quốc gia như Trung Quốc.
Thị trường trái phiếu
Chính quyền Biden năm ngoái hạn chế khả năng vay nợ của Moskva bằng cách cấm các tổ chức tài chính Mỹ mua trái phiếu chính phủ trực tiếp từ Nga. Lệnh cấm vận này chưa nhắm tới thị trường thứ cấp, để ngỏ cánh cửa áp thêm đòn trừng phạt mới.
Đường ống khí đốt Nord Stream 2
Giới lập pháp tại quốc hội Mỹ đã tìm cách đối phó dự án khí đốt Nord Stream 2 từ Nga đến Đức suốt nhiều năm qua, cho rằng nó sẽ là quân bài để Moskva giành lợi thế chính sách ở châu Âu. Phe Cộng hòa muốn áp lệnh trừng phạt ngay lập tức vào công ty vận hành đường ống, trong khi đảng Dân chủ cho rằng chỉ nên hành động khi Nga tấn công Ukraine.
Chính quyền Biden từng tránh áp dụng biện pháp này để hạn chế nguy cơ căng thẳng với đồng minh chủ chốt là Đức. Giới chức Đức từng khẳng định sẽ xem xét đóng băng hoạt động của đường ống Nord Stream 2 nếu Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, nhưng đây là phát biểu công khai duy nhất của Berlin cho đến nay.
Trừng phạt trực tiếp Putin
Một trong các chiến thuật trừng phạt được Mỹ dùng nhiều nhất chính là cấm vận những lãnh đạo nước ngoài và người thân cận với họ. Điều này đồng nghĩa với các lệnh cấm vận, đóng băng tài sản nhằm vào Tổng thống Putin và quan chức Nga, cũng như gia đình họ và những doanh nhân, doanh nghiệp lớn nhất của đất nước.
Donald Trump từng áp lệnh trừng phạt Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro năm 2017 và lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei năm 2019.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 13/1 tuyên bố bất cứ lệnh trừng phạt nào của Mỹ nhắm vào Putin đều sẽ vượt qua ranh giới và có thể dẫn tới "rạn nứt quan hệ" song phương.
Vũ Anh (Theo AP)