Sáng 27/7, ông Thông dậy sớm, được vợ nấu nồi xôi và luộc con gà để cùng con trai Minh Trí, 24 tuổi, mang theo đoàn nhân viên y tế Quảng Bình đi chi viện chống dịch. Đây là lần thứ hai Minh Trí đi vào tâm dịch, sau chuyến tình nguyện ở Bắc Giang hồi cuối tháng 5. Khi con trai đi vắng, ông Thông tham gia lái xe chở vật tư, nhu yếu phẩm từ thiện của Quảng Bình vào Nam. Những hàng dài xe buýt chở F0 tới viện đã ám ảnh người đàn ông 61 tuổi. Nghe con trai nói sẽ vào tâm dịch TP HCM, ông quyết đi cùng, mang theo 10 triệu đồng đi vay.
Sống bằng nghề lái xe cấp cứu dịch vụ, ông biết dịch càng căng thẳng, nghề càng hái ra tiền. "Nhưng lúc này mạng sống con người quan trọng hơn tiền", ông Thông nói.
Có mặt ở TP HCM chiều hôm trước, sáng hôm sau họ đã nhận nhiệm vụ chở F0 đi điều trị. Chiếc xe cứu thương ông Thông cầm lái, Minh Trí được giao một chiếc xe 16 chỗ.
Bà Phan Thị Thu Thủy, Phó chánh Văn phòng HĐND và UBND quận 10 cho biết, ông Thông là tình nguyện viên lớn tuổi nhất và cha con ông là hai tình nguyện viên ngoại tỉnh duy nhất tại địa phương.
TP HCM những ngày đó đang là đỉnh dịch, mỗi ngày có thêm hàng nghìn F0. Ông Thông và con trai không có lịch làm việc cụ thể. "Cứ ai gọi đâu là tôi đi, có khi 1-2 giờ sáng mới về", người đàn ông ở TP Đồng Hới, nói. Ban đêm, hai cha con ông còn tranh thủ đi phát quà từ thiện cho người vô gia cư.
Ông hay đùa các lái xe cấp cứu mùa dịch là tay đua công thức một, mặc đồ như phi hành gia. Cuộc đua bắt đầu, điểm xuất phát và đích đến khác nhau nhưng giống nhau là dùng tốc độ để cứu bệnh nhân. Để giữ an toàn, trước khi làm nhiệm vụ, ông dán băng keo kín các điểm nối ống tay và găng tay, ống quần và tất, khóa áo với khẩu trang.
Ông Thông không biết đường, cũng không thể sử dụng Google Maps vì đường nhiều chốt chặn, nhiều khu vực bị rào chắn. Ông chỉ còn cách hỏi đường các F0 đang chở. "Nhưng mới biết bị Covid-19 người ta hoảng loạn lắm, không nhớ để chỉ đâu", ông nói.
Có lần ông Thông mất cả buổi chiều chỉ để chở một F0. Hôm đó, ông lấy giấy bút đưa cho F0 nhờ chỉ đường. Đọc xong, ông vứt ngay giấy bút để giữ an toàn và đi theo hướng dẫn. Nhưng bệnh nhân nhầm giữa bệnh viện thu dung Thủ Đức với bệnh viện quận Thủ Đức. Ông tiếc đã lãng phí thời gian, làm mất cơ hội của người bệnh khác, khi xe chở F0 vô cùng khan hiếm.
"Việc nào nguy cơ lây nhiễm cao, ba đều giành làm thay tôi", Minh Trí kể. "Ba chở F0, còn tôi chở nhân viên y tế. Khi nào căng quá không có người hai cha con mới cùng chở".
Ở Sài Gòn, ông Thông trải qua các cung bậc cảm xúc "bằng cả đời người cộng lại". Rất nhiều F0 được ông đưa đến viện hôm trước còn tỉnh táo, hôm sau nghe tin đã mất. Có người hôm trước chồng chết, hôm sau vợ qua đời.
Điều trăn trở lớn nhất của ông là nhiều người vẫn thờ ơ với dịch bệnh và có kẻ trục lợi trên nỗi đau của nạn nhân. Có bữa, vội vã chạy xe đến, ông Thông thấy F0 đang ngồi uống nước trước cửa nhà với hàng xóm không đeo khẩu trang. Trước khi lên xe, cả hai chào nhau như chưa hề có dịch. Lần khác, ông phát hiện có kẻ môi giới xe cấp cứu lấy tiền của bệnh nhân rồi gọi cho cha con ông nhờ chạy miễn phí. Bị chất vấn, họ hứa bồi dưỡng cho ông Thông 4 triệu đồng.
"Gặp mấy vụ đó, ổng đều bắt trả lại tiền cho bệnh nhân. Ổng còn đi xin của người có chia cho người không, làm gì có chuyện lấy tiền của bệnh nhân", một lái xe trong đội xe của CDC quận 10, kể.
Sau sự việc, ông Thông lên mạng xã hội cảnh báo mọi người và nhắc lại số điện thoại mình để ai cần thì gọi. "Đừng kiếm ăn trên nỗi đau của dân tộc ta lúc này", ông viết.
Những ngày ở tâm dịch, chứng kiến những cuộc sinh ly, tử biệt, tiếp xúc với nhiều người, người đàn ông Quảng Bình cũng ngộ ra nhiều điều mới mẻ. "Có những cậu tình nguyện viên xăm trổ đầy mình, vẻ rất ngổ ngáo, bất cần nhưng sẵn sàng lao vào chỗ nguy hiểm mà không màng danh lợi", ông nói.
Cha con ông Thông dự định sẽ ở Sài Gòn đến khi hết dịch. Lúc đó, ông sẽ rủ các chiến hữu từng cùng mình vào sinh ra tử tìm một quán ven đường để thưởng thức cà phê và ngắm phố sá. Nhưng kế hoạch chưa thực hiện được thì Covid-19 bùng phát ở Quảng Bình, họ quyết định rời TP HCM về tiếp sức cho quê nhà.
"Trước khi về, bác đã nhờ một người quen mang xe đến thế chỗ", bà Thủy cho biết.
Ngay khi có kết quả xét nghiệm âm tính, cha con ông Thông đã đến thẳng Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) Quảng Bình đăng ký làm tình nguyện.
Ngày đầu về quê, họ mượn nhà kho của người bạn cách nhà 5 km, mắc võng ngủ tạm để giữ an toàn cho người nhà. Hiện tại, hai cha con đã được bố trí chỗ ăn, ngủ tại CDC Quảng Bình.
Phạm Nga