5h sáng 31/8, Vũ Khắc Tiệp phóng xe đến trạm y tế phường để xét nghiệm Covid-19 sau khi biết tin shipper được phép hoạt động trở lại. Tiệp, một cử nhân quản trị kinh doanh, mới vào nghề hơn một năm sau khi quán cà phê của anh phải đóng cửa vì Covid-19. Chàng trai quê Đắk Lắk nợ ngân hàng gần 100 triệu đồng.
Đến trạm y tế, Tiệp được thông báo phải ra trạm lưu động. Còn đang ngơ ngác chưa biết trạm lưu động ở đâu, anh được một đồng nghiệp vẫy đi cùng. Đến nơi, một hàng dài shipper đã xếp hàng. Sau khoảng một tiếng, Tiệp cũng có trong tay kết quả xét nghiệm âm tính, tấm giấy thông hành, một trong những điều kiện để shipper của 8 "vùng đỏ" được phép ra đường.
"Ngày nào cũng chọc thế này khéo hết dịch, shipper thành Trư Bát Giới cả", chàng trai 27 tuổi nói và cho biết sẽ chỉ chạy một hai ngày rồi lại tắt app nghỉ tiếp chứ mũi không chịu nổi. Bên cạnh kết quả xét nghiệm nhanh, các shipper phải tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19 và có tên trong danh sách của Sở Công Thương.
Tuy nhiên, nỗi ám ảnh lớn nhất của các shipper là mỗi chốt kiểm soát lại có cách thức kiểm tra khác nhau.
Là shipper vùng đỏ Bình Tân, Tiệp cảm thấy chóng mặt vì số lần thay đổi quy định của thành phố, trong hai tháng qua. Từ khoảng đầu tháng 7, dịch vụ chở khách bị cấm hoạt động, Tiệp xoay qua đi giao hàng. Cuối tháng đó, shipper chỉ có thể hoạt động tại một quận từ 6h đến 18h hàng ngày. Hai ngày sau, họ lại được chạy liên quận. Ngày 23/8, shipper "vùng đỏ" bị dừng hoạt động. Năm ngày sau, mô hình "đi chợ hộ" quá tải và cần lực lượng shipper hỗ trợ, Sở Công Thương kiến nghị UBND TP HCM cho phép 25.000 shipper công nghệ giao hàng hóa liên quận. Ngày 30/8, họ được phép hoạt động trở lại với điều kiện xét nghiệm mỗi ngày một lần. Gần đây nhất, ngày 7/9, shipper tiếp tục bị giới hạn hoạt động nội quận từ 6h đến 21h.
Hôm đầu tiên được ra đường, Tiệp bỏ bữa trưa để tranh thủ giao hàng cho khách bởi anh biết đó là lúc cán bộ chốt bận ăn uống, nghỉ ngơi nên qua loa hơn. Nhưng cũng mã QR khai báo y tế, mã QR của công ty, giấy xét nghiệm âm tính, giấy xác nhận tiêm một mũi vaccine, có chốt cho qua, có chốt bắt quay đầu.
"Chốt thì đòi ba loại giấy, chốt đòi bốn loại, có chốt thì chỉ cần khai báo y tế là cho qua. Nói chung nếu các anh ở chốt bảo quay đầu là tui quay đầu ngay, không dám nói nhiều vì sợ phạt", Tiệp kể.
Nhưng chỉ chiều hôm sau, Tiệp mất tiền phạt do không có giấy đi đường PC08 do phòng CSGT cấp. Trong túi có hơn một triệu đồng, anh xin nộp một triệu để được cho qua, dù cũng với từng ấy giấy tờ, anh đã được qua nhiều chốt ngày hôm đó, giao hơn chục đơn hàng. "Tôi chấp nhận nộp phạt vì thực tình không biết giấy đi đường do Công an TP HCM cấp có phải điều kiện để shipper được hoạt động hay không nữa", anh nói.
Ở nhiều quốc gia, shipper trở thành lực lượng xung kích trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng nhất. Tờ South China Morning Post tháng 4/2020 đã gọi đội ngũ shipper là "đội quân nuôi sống" hàng triệu người Trung Quốc khi chính quyền nhiều địa phương thắt chặt chính sách cách ly, phong toả. Ở Mỹ, shipper được gọi là "người hùng thầm lặng trong đại dịch".
Nhưng shipper Việt Nam lại không được như thế. Trong một nhóm trên mạng xã hội của giới shipper Sài Gòn với khoảng 130.000 thành viên, nhiều người chia sẻ những câu chuyện oái oăm khi đi làm mùa dịch, giống như Tiệp.
Nguyễn Đạt, quản trị viên của nhóm cho biết, lý do khiến nhiều shipper bị phạt nhất là thiếu giấy đi đường do Phòng CSGT thành phố cấp. "Khổ cái là anh em chẳng biết phải xin giấy đó thế nào, thủ tục ra sao. Nhiều anh em nói, thà ở nhà chịu đói còn hơn ở ra ngoài bị phạt", Đạt nói.
Trước khi được nới hoạt động đến 21h, quy định không được ra đường sau 18h hàng ngày cũng khiến cánh tài xế rơi vào cảnh dở khóc, dở cười. Nhiều đơn hàng giao chỉ vài km nên shipper đinh ninh giao xong vẫn kịp quay về. Nhưng đi rồi mới biết, con đường dài ra cả chục km do nhiều ngõ bị rào chắn và tốn thêm thời gian khi qua ba bốn chốt kiểm dịch. Xong đơn, họ có "chạy như ma đuổi" cũng không kịp về, vậy là lại bị phạt.
Vũ Khắc Tiệp không chạy cố bao giờ. Cứ hơn 4h chiều anh đã tắt app về nhà. Nhưng có bữa, đang trên đường về thì xe thủng xăm. Tiệp dắt bộ 3 km mới tìm được một tiệm chịu sửa, đi được một đoạn lại đứt xích. Anh chỉ ước lúc này có đồng nghiệp nào ngang qua để nhờ hỗ trợ. Nhưng hôm đó Tiệp không gặp đồng nghiệp nào, mà còn bị các tiệm sửa xe từ chối. Covid-19 khiến người ta ngại tiếp xúc, nhất là với cánh shipper.
Chắc chắn không thể về trước 18h, anh chụp ảnh lại cảnh mình sửa xe để lỡ gặp chốt còn có bằng chứng mà xin xỏ, thanh minh. May cho Tiệp, thấy anh qua chốt, cảnh sát giao thông chỉ nhìn rồi cho qua.
Không chỉ vướng thủ tục ra đường, giao hàng ở vùng dịch, nhiều shipper bị "bùng đơn", hủy đơn vì không thể giao hàng tận cửa do vướng chốt, nhưng khách lại không muốn ra ngoài nhận.
Kiều Văn Thanh, 32 tuổi, ở Gò Vấp là một trong số đó. Các ngõ nhỏ mùa này chỉ có một lối ra vào duy nhất vì bị rào chắn hoặc có chốt chặn. Có những địa chỉ bình thường 3 km là tới, nay Thanh chạy vòng hơn 10 km. Nhiều khi đường vào lắm ngõ ngách, tìm mãi không thấy lối ra, anh vừa lo vừa ức, chảy nước mắt.
Có lần, anh sau năm lần bảy lượt tìm đường, anh đến được hàng rào gần nhà khách nhất. Ngôi nhà chỉ cách chốt hơn 100 mét, anh gọi khách ra lấy, nhưng được yêu cầu giao tận nhà. "Không giao được tui hủy", vị khách cáu rồi hủy đơn. Cả đi về gần 20 km nhưng không được một đồng, Thanh ức, nhưng vì dịch, chẳng thể lại gần khách mà tranh cãi.
Nguyễn Đạt cho biết, nhiều shipper tự do lẫn shipper công nghệ từng là F0 muốn đi làm nhưng không đủ điều kiện hoạt động do thành phố quy định. Trong khi đó, theo Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Hoài Nam, F0 khỏi bệnh được xem là nguồn lao động rất quý vì đã có kháng thể, có thể miễn nhiễm tạm thời đối với nCoV.
Đình Trung, 31 tuổi, ở "vùng đỏ" Hóc Môn là một trong những shipper đã khỏi Covid-19, đang thất nghiệp. Hai tháng liền, gia đình ba người không có thu nhập, tất cả trông chờ vào khoản tiền hàng ngày anh shipper kiếm được. Sống lại sau những ngày thập tử nhất sinh vì Covid-19, Trung kỳ vọng có thể quay lại làm việc để trang trải cuộc sống mà không lo nhiễm bệnh hay lây lan cho cộng đồng. Thế nhưng hôm 31/8, anh thử lên ứng dụng đăng ký thì nhận tin nhắn "Tài khoản đối tác đã hết hạn cấp phép hoạt động".
Chiều một ngày đầu tháng 9, anh Trung khấp khởi khi nhận được được cứu trợ ít lương thực. Còn anh Tiệp sau hai ngày mất tiền phạt ở chốt, quyết định đi làm lại. Vừa ra đến đầu ngõ, cán bộ đã yêu cầu quay đầu, dù anh nói rõ lý do. Về nhà, Tiệp làm đơn gửi ngân hàng xin giảm lãi suất, nhưng vì vài tháng trước nộp chậm, anh không được duyệt.
Tết trước, vì không có tiền biếu ba mẹ, anh không dám về quê. Tiệp dự năm nay, sẽ lại ăn Tết một mình trong xóm trọ Sài thành.
Tên nhân vật trong bài đã thay đổi.
Phạm Nga