Bác sĩ Chew, chuyên về tai mũi họng, hiện tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện đa khoa Penang ở Georgetown, còn bác sĩ Michelle Goh làm tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Sarawak ở Sarawak. "Đã gần một năm, tôi đang vô cùng uể oải. Một mặt tôi muốn dốc hết sức với tư cách là một bác sĩ, nhưng mặt khác tôi cảm giác mệt mỏi, kiệt sức và buồn vì không có vợ bên cạnh", nam bác sĩ 28 tuổi nói.
"Sẽ thật tuyệt nếu có thể gặp vợ sau một tháng nhưng với tình hình gia tăng số ca bệnh, tôi thậm chí không biết có thể gặp cô ấy trong một năm hay không", anh nói thêm.
Chew và Goh là một trong vô số các cặp vợ chồng bác sĩ không thể gặp nhau vì đại dịch, do việc đi lại giữa các bang ở Malaysia bị cấm trong một năm rưỡi qua. Gần đây có một số lệnh nới lỏng dành cho các gia đình ly tán, song họ phải làm nhiều thủ tục để được đoàn tụ.
Trong trường hợp vợ chồng Chew, vấn đề lớn nhất họ phải đối mặt là cách ly bắt buộc trong 2 tuần tại một cơ sở được chỉ định cho bất cứ ai đặt chân đến Sarawak. "Nếu tôi mà cách ly hai tuần mới gặp được vợ thì sẽ ảnh hưởng đến các đồng nghiệp của tôi. Làm trong ngành y kỳ nghỉ hàng năm ít vì khối lượng công việc nặng nề", Chew nói.
"Vào thời điểm này, chúng tôi không thể nghỉ phép năm vì tất cả đều hướng đến nhiệm vụ chống dịch", Goh chia sẻ.
Cả hai gặp nhau khi còn là sinh viên y khoa ở Johor. Lần xa nhau lâu nhất trước đây là 3 tháng khi mới yêu. Họ kết hôn gần 2 năm, dù khi đó mỗi người công tác ở một bệnh viện cách nhau 3.000 km. Hai vợ chồng dự định sau này Goh sẽ thuyên chuyển công tác về quê chồng ở Penang để gần nhau. Trước lúc các địa phương siết chặt phong tỏa, họ đã gặp nhau được một lần, rồi xa nhau từ đó tới nay gần một năm.
Chew kể, từ khi bắt đầu đại dịch, anh đã song song làm việc ở khoa và nhóm Covid-19. Khi làm ở nhóm Covid-19, anh làm theo ca 12 tiếng trong bốn ngày, sau đó nghỉ ba ngày. Khi làm việc tại khoa Tai mũi họng thì theo lịch thông thường.
"Sau 4 ngày làm trong nhóm Covid-19 chúng tôi được nghỉ ngơi, nhưng cả tinh thần, thể chất đều bị tổn hại nặng nề. Trong 12h đó, chúng tôi giành giật sự sống cho bệnh nhân, luôn trăn trở làm sao để làm được nhiều hơn cho bệnh nhân, lo có bị nhiễm bệnh và vô tình lây nhiễm cho gia đình không", Chew, đang sống cùng bố mẹ, nói.
Bác sĩ Goh làm ở khoa cấp cứu, không trực tiếp làm với bệnh nhân Covid-19 nhưng luôn có nguy cơ lây từ những người đến điều trị. Hơn nữa công việc ở khoa cấp cứu lúc nào cũng có cường độ cao.
Mới cưới được không bao lâu đã phải xa nhau, cặp vợ chồng tiết lộ họ thực sự cần "dành thời gian để kết nối lại với nhau". "Nếu không có ý thức kết nối và sắp xếp thời gian cho nhau, chúng tôi có thể bị sự bận rộn và mệt mỏi lấn át", Goh nói.
Vì thế, họ lên kế hoạch cho những buổi hẹn hò qua mạng khi cả hai có thời gian, như cùng nấu ăn, xem phim, nghe nhạc. "Chúng tôi thường xem phim hài và cùng nhau xả stress khi chơi điện tử. Chúng tôi cùng nhau đi nhà thờ qua Zoom và còn tập thể dục cùng nhau", Chew cho biết. Bên cạnh đó họ chụp và quay nhiều ảnh gửi cho nhau hàng ngày, đồng thời "hẹn ước tương lai".
Họ cũng cố làm cho mình bận bịu hơn mỗi khi rảnh. Chew nuôi ong, thể dục thể thao, chơi các loại nhạc cụ. Còn Goh thường chạy bộ và nghiên cứu về thuốc cấp cứu.
Khi mới xa nhau, Chew từng tạo ghi chú vui, trong đó anh hứa #nowifenoshave - (không có vợ không cạo râu) - mà không nhận ra sẽ xa nhau một thời gian dài đến vậy. "Chúng tôi nghĩ chỉ xa nhau một hoặc hai tháng, vì vậy tôi rất tự tin không cạo râu. Nhưng đại dịch và những hạn chế đi lại đã kéo dài liên tục. Tôi vẫn giữ lời hứa", anh nói.
Một số người đã hỏi sao anh lại để mình "nhếch nhác" như vậy khi làm trong ngành y, nam bác sĩ nói anh buộc râu gọn và mặc bảo hộ kín bưng thì không gây bất tiện gì.
"Chúng tôi rất nhớ nhau, nhưng chúng tôi biết là bác sĩ thì đây là thời điểm cần phải hy sinh", cặp vợ chồng nói.
Bảo Nhiên (Theo Star)