Chiều cuối tháng 3, một chàng thanh niên tay trái xách con gà, tay phải xách một túi hoa quả ngập ngừng bước vào phòng làm việc của bác sĩ La Văn Phú - trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ. Anh "được lệnh" của mẹ mang chút quà quê đến biếu bác sĩ để cảm ơn ca mổ ống mật bốn năm trước.
Các đồng nghiệp không lạ với việc thi thoảng lại có người nhà bệnh nhân tay xách nách mang những món quà dân dã đến tặng vị trưởng khoa. Bác sĩ Tống Hải Dương (Khoa Ngoại tổng hợp) cho biết: "Bác sĩ Phú là một trong những phẫu thuật viên giỏi, đồng thời cũng là người thầy của nhiều phẫu thuật viên trẻ và thường được lựa chọn để thực hiện những ca mổ khó".
Có một điều đặc biệt các đồng nghiệp ở bệnh viện ít người biết thầy thuốc ưu tú La Văn Phú từng là cậu học trò từng ba lần thi trượt vào Đại học Y Thái Bình và phải đến lần thi thứ tư mới đỗ.
"Năm tôi học lớp 7, mẹ tôi bị viêm ruột thừa nhưng vì không được phẫu thuật kịp dẫn đến biến chứng, suýt mất mạng. Lúc đó, tôi đã hứa sau này mình sẽ làm một bác sĩ để cứu người", bác sĩ Phú tiết lộ lý do "cứng đầu" chỉ thi trường y của mình.
Mơ ước nhưng cậu học trò nhà quê ở Can Lộc, Hà Tĩnh không có điều kiện học thêm hay luyện thi như các bạn cùng lứa thời đó. Hành trang đi thi đại học chỉ là mấy cuốn sách giáo khoa Toán, Hóa, Sinh và những chiều ôn bài tranh thủ khi đi chăn trâu. Năm đầu tiên, anh trượt đại học Y khoa Thái Bình.
Hai năm tiếp theo, Phú vẫn chọn thi tiếp vào Đại học Y Thái Bình nhưng đều trượt, có năm thiếu nửa điểm, năm thiếu một điểm. "Lúc đó tôi chỉ muốn thi vào ngành y chứ nhất định không thi ngành khác. Nếu thi sư phạm, kinh tế hay xây dựng thì tôi đã đậu rồi", bác sĩ Phú kể.
Sau ba lần trượt, giấc mơ trở thành bác sĩ tưởng như khép lại, anh quyết định đi làm kiếm sống. Cuối năm 1986, chàng thanh niên vào Cần Thơ, xin làm công nhân trong xưởng sản xuất nước mắm. "Ở quê đang đói ăn, vào Nam có công việc ổn định, được ăn uống đầy đủ nên tôi lên cân đều đều, có lúc đã rất hài lòng với cuộc sống và không nghĩ sẽ thi lại", ông Phú nói.
Làm ở xưởng mắm, dù chăm chỉ nhưng cậu thanh niên thường xuyên phải chịu những trận mắng chửi vô cớ của ông chủ. La Văn Phú tự ái, nung nấu ý định thi đại học lần nữa.
Hôm sau, anh đến trường Đại học Cần Thơ đăng ký học thử lớp luyện thi. Trong lớp, khi thầy giáo giảng bài bằng giọng miền Nam, anh công nhân người miền Trung "nghe lùng bùng lỗ tai", không hiểu gì. Sau buổi học thử thứ hai, anh nghỉ học, trở lại xưởng mắm.
Hơn một năm sau, một lần lỡ tay làm đổ chậu nước mắm, bị ông chủ xúc phạm nặng nề, chàng trai bực tức và một lần nữa quyết định thi lại đại học. Tuy nhiên, khi xin tạm nghỉ việc để ôn thi, ông chủ xưởng mắm bảo: "Nếu nghỉ thì nghỉ hẳn luôn". Anh công nhân trả lời dứt khoát: "Vậy cháu xin nghỉ hẳn".
Trước ngày thi đại học đúng hai tháng, Phú đăng ký ôn thi ba môn Toán, Hóa, Sinh, để một lần nữa thi vào Khoa Y, Đại học Cần Thơ. Tuy nhiên, khi nhìn học bạ và hai năm bỏ bê sách vở đi làm thuê của cậu em chồng, người chị dâu khuyên: "Em chỉ nên thi vào ngành thú y". Đã ba lần trượt, sự tự tin gần như bằng không nên Phú gật đầu.
"Lớp ôn thi có nhiều người đã luyện 3 - 4 năm, mỗi lần thầy ra bài họ giải rất nhanh khiến tôi thấy choáng ngợp. Vừa sợ trượt, vừa tức nên suốt tháng đầu, tôi không ngủ được, mỗi ngày uống đến 5 cữ cà phê để học bài", bác sĩ Phú nhớ lại.
Nhưng lần này một vận may đặc biệt đến với Phú. Biết cậu học trò từ Hà Tĩnh vào còn khó khăn nên thầy Nguyễn Thanh Bình, giảng viên Toán Đại học Cần Thơ nhận dạy ôn thi hoàn toàn miễn phí. "Phú lúc đó như một cây khô cằn, được các thầy bồi dưỡng, bón phân nên vươn mình trở lại. Thấy Phú có khả năng thi đỗ Khoa Y nên khuyên em ấy chuyển nguyện vọng", thầy Bình kể. Nghe lời thầy, Phú lén chị dâu đổi lại nguyện vọng, đăng ký vào Khoa Y để trở thành bác sĩ cứu người, như ước mơ ngày bé.
Ngày thi, vì quá lo lắng nên Phú đến điểm thi từ hơn 5h sáng. Trong lúc chờ đợi, anh uống liên tiếp hai ly cà phê đen. Bắt đầu thi môn Toán sở trường, anh say cà phê cộng với áp lực, tim đập nhanh nên hơn 30 phút đầu, anh không làm nổi bài. Rời phòng thi, Phú nghĩ mình sẽ trượt lần nữa.
Hôm có kết quả, anh công nhân không đi xem điểm mà vẫn đến công trường làm phụ hồ mãi đến chiều, thấy nhiều người kháo nhau "thằng Phú đậu Khoa Y", anh mới chạy đi xem điểm.
"Thấy tên mình với kết quả đã đậu, đầu tôi quay như chong chóng, mắt nhòe đi. Tôi chạy quanh, kiếm cành cây thẳng đi tới bảng điểm dò xem tên mình và kết quả có nằm trên một đường thẳng hay không. Tôi sợ mình hoa mắt nhìn nhầm", ông bác sĩ bồi hồi kể.
Sáu năm theo học ở Khoa Y, những bữa cơm của chàng sinh viên thường là món thịt kho mặn nấu một lần ăn nhiều bữa và nải chuối chín ăn với cơm kiểu người miền Tây. Tốt nghiệp, anh xin về công tác tại Bệnh viện đa khoa thành phố Cần Thơ. Năm 2010, bác sĩ Phú được bổ nhiệm làm Trưởng khoa Ngoại tổng hợp.
"Một ước mơ trẻ con đã giúp tôi trở thành một bác sĩ cứu người. Vì thế mà trong 24 năm làm nghề, khi đứng trước bệnh nhân, tôi luôn nghĩ như đang đứng trước mẹ mình để khi đưa ra quyết định mổ hay áp dụng phương pháp điều trị gì, tôi phải tự hỏi: 'Nếu người thân của mình bị bệnh như vậy thì có áp dụng không? Nếu câu trả lời là có, thì cứ mạnh dạn tiến hành, nếu lưỡng lự thì cần xem xét lại", vị bác sĩ chia sẻ.
Trong suốt hơn 24 năm làm phẫu thuật viên, ông gặp không ít những trường hợp đặc biệt, chẳng hạn như ca mổ cứu sống cụ bà 100 tuổi bị sốc nhiễm trùng đường mật vào đúng đêm giao thừa năm 2017.
Chiều 10/6 năm ngoái, khi trong bồi dưỡng chính trị, ông Phú nhận được cú điện thoại cầu cứu của các đồng nghiệp khi gặp ca bệnh là một cụ bà 86 tuổi bị sỏi túi mật đã biến chứng, nhiễm trùng nặng khi bệnh viện khác đã "trả về".
Lúc ông dắt xe định về bệnh viện cũng là lúc trận mưa lớn kèm gió thốc mạnh của trận bão đang vào thành phố, ập đến. "Những cành cây, bảng hiệu đổ sập trước mặt nhưng tôi vẫn "liều", vặn ga hướng về bệnh viện. Lần đầu tiên trong đời làm bác sĩ tôi phải đứng trước lựa chọn lo cho sinh mạng của chính mình. Tôi có thể chọn cách dừng lại trú bão, nhưng bà cụ này gợi tôi nhớ về hình ảnh mẹ mình", vị bác sĩ kể và cho biết ca mổ sau đó đã thành công.
Diệp Phan