"Nam nhân viên cảng hàng không Vân Đồn dương tính với nCoV, trở thành bệnh nhân 1553, các F1 sẽ chuyển đến Bệnh viện dã chiến số 2 - Bệnh viện Phổi Quảng Ninh cách ly", Sang đọc xong tin nhắn, vơ cái áo khoác đi thẳng vào viện. Tại đó, các đồng nghiệp của anh đang đi như chạy để giải phóng bệnh nhân cũ, sắp xếp lại các khoa phòng sẵn sàng đón bệnh nhân Covid-19.
Khoảng hơn 1 giờ sáng, chuyến xe đầu tiên chở 44 người F1 - người nhà và đồng nghiệp của bệnh nhân 1553 lao thẳng qua cổng viện. Đã quen với quy trình nghiệt ngã này từ một năm qua, nhóm của Sang lập tức có mặt, hướng dẫn từng người sát khuẩn tay, thay khẩu trang mới, ngồi vào hàng ghế cách nhau hai mét. Bên trong, năm bác sĩ trẻ thay nhau khai thác dịch tễ, lấy dịch hầu họng để xét nghiệm và sắp xếp khoa phòng cho bệnh nhân theo dấu hiệu dịch tễ và triệu chứng lâm sàng.
Suốt đêm đó, mỗi người một khâu để xử lý "các F" và "sức nóng" được đẩy lên thêm một nấc khi phát hiện thêm 5 người dương tính với nCoV gồm mẹ và 4 đồng nghiệp của bệnh nhân 1553. "Cứ một ca dương tính tiếp theo, có ít nhất 10 người trở thành F1. Riêng F0 đầu tiên có hơn 200 F1. Chỉ trong ngày 28, khu cách ly đón hơn 170 F1", điều dưỡng Nguyễn Khắc Sang nhớ lại.
Ngày 29, một "quả tạ" khác tiếp tục giáng vào bệnh viện. Tiểu thương ở chợ Cao Thắng (TP Hạ Long) được phát hiện dương tính. Người này vừa có dịch tễ Hải Dương, vừa liên quan mẹ bệnh nhân 1553, đã tiếp xúc với nhiều tiểu thương trong chợ và khách mua. Con số F1 tăng lên vùn vụt. "Quần quật suốt ba ngày, đến 2 giờ sáng ngày 30, viện đã kín phòng. Trong khi đó cấp trên báo xuống vẫn còn 4 ca F1, chúng tôi lại tiếp tục chờ họ đến", anh Sang kể.
Đó là ba ngày làm việc với "công suất chưa từng có" của nam điều dưỡng 34 tuổi. Ngủ là một thứ gì đó xa xỉ. Anh và các y bác sĩ không có phút nào được cởi bộ đồ bảo hộ. Ba ngày, tổng thời gian ngủ của Sang chỉ khoảng 6 tiếng nhưng anh thấy mình "chưa thấm vào đâu" so với các y bác sĩ trực tiếp làm việc với bệnh nhân.
"Sang đến ngày thứ ba chúng tôi đã đuối lắm rồi. Có một nữ bác sĩ trẻ vẫn dai sức, miệt mài tiếp đón đoàn 30 bệnh nhân để cho họ ổn định trước. Xong tốp này, bạn ấy biết không thể cầm cự được vì một tốp mới lại đến, đành phải đi ăn", Sang kể.
Người anh Sang nói đến là bác sĩ Bùi Thị Phương Thảo. Cô tạm dừng công việc lúc 21h. Cởi bộ đồ bảo hộ, giữa mùa đông mà tóc cô ướt đầm, khẩu trang hằn đỏ trên khuôn mặt. Chẳng còn nhìn ra đây là nữ bác sĩ nhỏ xinh hàng ngày.
"Cố ăn đi, nửa suất cũng được", một ai đó lên tiếng nhắc Thảo, buộc cô phải gắng nhai mấy hạt lạc, uống cốc canh cho dễ trôi miếng cơm đã nguội ngắt. Chỉ 15 phút sau, cô lại mặc đồ bảo hộ, tiếp tục làm. "Chúng tôi động viên nhau thần tốc, thần tốc. Chế ngự được dịch rồi chúng ta sẽ có thời gian xả hơi", nữ bác sĩ 29 tuổi nói.
Hai làn sóng Covid-19 trước, bệnh viện tiếp nhận 3 ca dương tính, 60 người cách ly. Làn sóng lần này nhanh, mạnh và gây nhiều khó khăn nhất với họ. Đến sáng 3/2, tại đây đang điều trị 22 ca F0 và 260 người F1.
Dù đã từng kinh qua cả ba đợt nhưng lần này bác sĩ Nguyễn Đức Đợi, khoa Hồi sức cấp cứu thực sự có cảm giác "hoa mắt, ù tai". Anh làm ở bộ phận khám sàng lọc ban đầu, từng tốp bệnh nhân này lại đến tốp bệnh nhân khác tới. Có những ngày chỉ riêng anh đã khám 80 người.
Đêm đầu tiên thức vẫn còn sức, nhưng đến cuối đêm thứ hai anh bắt đầu ngấm mệt. Hỏi nhiều khát khan cổ, người mất nước, mắt díu lại. Anh thậm chí phải bước vội ra ngoài, hít thở chút không khí lạnh và lắc đầu để tỉnh táo.
Khoảng cách từ bác sĩ tới người bệnh hơn hai mét, lại đeo khẩu trang, mặc bảo hộ, cùng tấm chắn giọt bắn, bác sĩ Đợi luôn trong tình trạng căng tai mà đôi khi nghe không rõ, có lúc phải hỏi lại tới lần thứ ba.
"Tôi bị cận, trong khi kính bị mờ mà không thể lau được, mắt tôi nhòe đi vẫn cố gắng để nhìn", anh kể và thừa nhận một lần ghi nhầm họ của bệnh nhân, tới khi lên phòng bệnh đối chiếu lại mới phát hiện sai.
Bước sang ngày thứ tư, hai tòa nhà 7 tầng kín phòng. Bệnh viện chính thức thông báo chỉ nhận ca dương tính, không thể tiếp nhận thêm F1 nữa. Từ lúc này các y bác sĩ mới có thời gian sắp xếp lại chỗ ăn ngủ. Bác sĩ Đợi thực hiện cuộc gọi đầu tiên về nhà. Con gái hơn 10 tháng tuổi nhìn thấy bố trên màn hình điện thoại lập tức khóc đòi. Bé đã sắp biết đi, biết nói mà số lần được bố bế chỉ "trên đầu ngón tay".
Lần vợ sinh hồi tháng 3 năm ngoái, anh đang tham gia điều trị ca mắc Covid-19. Ngày anh được "ra trại", con đã gần hai tháng tuổi. Vừa về tới cổng, thấy vợ bồng con nhỏ, dắt con gái lớn đứng trước nhà cười tươi, anh bác sĩ vội vã "vứt luôn đồ ở xe, chạy ào đến ôm vợ ôm con".
Ba ngày ở nhà, người đàn ông xắn tay áo dọn dẹp nhà cửa và tranh thủ giặt tay tã lót, quần áo của con gái. Kết thúc "kỳ nghỉ" anh lại quay về bệnh viện trực chiến tới tận 10/6 mới được về lần tiếp theo. Từ đó đến nay cứ thi thoảng xuất hiện bệnh nhân có triệu chứng, đồng nghĩa bác sĩ Đợi phải ở lại viện để đảm bảo an toàn cách ly.
Năm 2020, Bệnh viện Phổi được trưng dụng một nửa để lập Bệnh viện dã chiến số 2, với nhiệm vụ thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19. Khi dịch tạm lắng, bệnh viện được phép hoạt động một nửa. Cơ sở vật chất bị thu hẹp, cùng với tâm lý e ngại mà lượng bệnh nhân tới điều trị chỉ bằng nửa năm 2019.
"Bệnh viện phải tự chi trả 50%. Nhưng do nguồn thu từ khám bệnh giảm mạnh nên không có thu nhập tăng thêm cho gần 180 nhân viên, thậm chí phải vay tiền ngân sách trả lương", bà Phạm Thị Linh, chủ tịch công đoàn bệnh viện cho hay.
Với thâm niên điều dưỡng 10 năm, anh Sang có tổng thu nhập từ lương, trợ cấp độc hại và làm thêm các thủ thuật... khoảng 10 triệu mỗi tháng. Năm vừa qua, có những tháng anh chỉ nhận được mức lương cơ bản 3,5 triệu đồng.
Từ khi anh tham gia tuyến đầu chống dịch hồi tháng 2, vợ con anh phải "sơ tán" về Uông Bí nương nhờ ông bà ngoại. Hai con 5 tuổi và 2 tuổi được ông bà chăm, chị vợ đi dạy mầm non tự nuôi nhau. "Tôi gần như không giúp đỡ được gì cho vợ con", anh chia sẻ.
Cũng tham gia chống dịch một năm nay, kỹ thuật viên Nguyễn Tiến Đạt phải hoãn cưới ba lần. Tết này anh đã chuẩn bị tiền mua quà cáp, dự định làm lễ nhận họ theo tục lệ quê Hưng Hà, Thái Bình. "Tôi đã xung phong trực Tết từ năm ngoái để Tết năm nay cùng với vợ con ra mắt họ hàng. Giờ tham gia chống dịch thì phải khi nào hết sạch bệnh nhân và cách ly thêm ít nhất nửa tháng, chúng tôi mới được về", anh chia sẻ.
Hôm 29/1, vợ của Đạt viết trên trang cá nhân: "Nửa đêm nhận được tin nhắn của ba nói 'Ba đi thực hiện nhiệm vụ. Hai mẹ con ở nhà ngoan nha'. Vậy là cái Tết đầu tiên của con mà không có ba ở nhà. Nhưng Cốm hứa sẽ ngoan không quấy mẹ. Ba yên tâm chống dịch, bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Hết Tết, hết dịch, ba về nhé".
Phan Dương
Quỹ Hy vọng - Báo VnExpress tổ chức chương trình tiếp sức nhân viên y tế trên tuyến đầu chống Covid-19. Bằng nguồn lực huy động, các trang bị thiết yếu như khẩu trang y tế, trang phục bảo hộ, vitamin và nhu yếu phẩm sẽ được gửi tới các cơ sở y tế địa phương đang trực tiếp điều trị bệnh nhân dương tính, các khu cách ly... trước thềm Tết Nguyên đán.
Quý độc giả có thể tiếp sức cho các lực lượng ở tâm dịch tại đây.