"Phương Tây không có ý định nhớ đến vấn đề vũ khí hạt nhân của Mỹ, vốn đặt ở châu Âu, xung quanh Nga. Nhưng họ lại phản ứng thái quá với kế hoạch bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga trên lãnh thổ Belarus", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói trên kênh truyền hình Rossiya 24 ngày 9/4.
Tổng thống Vladimir Putin hôm 25/3 tuyên bố Nga sẽ bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus, khẳng định động thái này "không có gì bất thường" và Mỹ đã làm điều tương tự ở các nước châu Âu trong nhiều thập kỷ. Ông cũng nhấn mạnh sẽ không chuyển giao quyền kiểm soát vũ khí cho Minsk.
"Họ từ lâu đã triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ các đồng minh. Chúng tôi đồng ý sẽ hành động tương tự, không vi phạm các nghĩa vụ quốc tế về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân", Tổng thống Nga nói.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ được bố trí tại 5 quốc gia thành viên NATO ở châu Âu gồm Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Belarus, quốc gia Nga đặt vũ khí hạt nhân, giáp với ba thành viên NATO là Ba Lan, Litva và Latvia.
Mỹ chỉ trích kế hoạch hạt nhân của Nga, coi đây là cuộc trao đổi "nguy hiểm". Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi Belarus không cho phép Nga bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ, dọa áp thêm trừng phạt với Minsk.
Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov hôm 28/3 cáo buộc Washington "đạo đức giả" khi chỉ trích Moskva vì quân đội Mỹ cũng bố trí vũ khí hạt nhân ở châu Âu.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật có đầu đạn nhỏ, được thiết kế để sử dụng trong một cuộc tấn công hạn chế trên chiến trường, thay vì phá hủy quy mô lớn. Học thuyết hạt nhân của Nga quy định nước này có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu bị tấn công nguyên tử hoặc phải đối mặt với một cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường đe dọa "sự tồn vong" của nhà nước Nga.
Ngọc Ánh (Theo TASS/RT)