Người dân Bolivia hôm 20/11 biến một nhà thờ địa phương ở ngoại ô thủ đô La Paz thành nhà xác tạm thời, khi họ kéo vào đây 8 quan tài đựng thi thể những người thiệt mạng trong vụ đụng độ với lực lượng an ninh tại nhà máy nhiên liệu Senkata ở El Alto hôm 19/11.
Các bác sĩ tiến hành khám nghiệm tử thi ngay tại chỗ. Nạn nhân đều là nam giới trong độ tuổi 20-30, nhiều người có vết đạn bắn vào đầu. Gia đình họ ôm nhau khóc, hút thuốc và nhai lá coca để ngăn mùi tử thi. "Thằng bé là một đứa trẻ ngoan", Delia Tenorio, chị gái của nạn nhân 23 tuổi tên Juan Jose, chia sẻ.
Vụ đụng độ cho thấy căng thẳng đang leo thang tại Bolivia sau khi cựu tổng thống Evo Morales từ chức hôm 10/11. Trước đó, các cuộc biểu tình đã diễn ra trong nhiều tuần nhằm phản đối việc ông tái đắc cử lần thứ tư, khiến khoảng 30 người thiệt mạng.
Trước đó, quân đội Bolivia đã yêu cầu Morales ra đi để "giữ ổn định và hòa bình cho đất nước". Tuy nhiên, những gì diễn ra trên thực tế cho thấy điều ngược lại.
Sau khi sang Mexico tị nạn, Morales cáo buộc phe đối lập đã tiến hành cuộc "đảo chính", đồng thời kêu gọi người dân Bolivia chống lại chính quyền của Tổng thống lâm thời Jeanine Anez mà ông cáo buộc là "độc tài".
Đáp lại lời kêu gọi, những người ủng hộ Morales gần đây biểu tình ngày càng dữ dội, phong tỏa các tuyến tiếp tế thực phẩm, nhiên liệu cho thủ đô La Paz, nhằm buộc bà Anez từ chức. Nhà máy xăng dầu Senkata bị bao vây hơn một tuần, gây ra tình trạng thiếu nhiên liệu trầm trọng tại La Paz, khiến giao thông công cộng tê liệt. Thịt và trứng cũng trở nên khan hiếm ở thủ đô.
Bộ trưởng Quốc phòng Bolivia Fernando Lopez cho biết quân đội buộc phải triển khai xe bọc thép và trực thăng để kiểm soát người biểu tình, nói thêm rằng đám đông đã dùng thuốc nổ phá tường, đốt các xe bồn. "Họ đã nhận chỉ thị và tiền để phá hoại và khủng bố", ông cho hay.
Các nhà hoạt động từ đảng Phong trào Xã hội chủ nghĩa (MAS) của Morales sau đó chia sẻ lên mạng những video cho thấy binh sĩ dường như đã bắn đạn thật vào người biểu tình, cũng như cảnh thi thể một số nạn nhân trong nhà thờ được trùm cờ wiphala, lá cờ nhiều màu sắc đại diện cho cộng đồng người bản xứ.
"Hãy dừng cuộc tàn sát anh em bản địa, những người đang yêu cầu hòa bình, dân chủ và sự tôn trọng", Morales viết trên Twitter hôm 20/11. Một số quan chức chính phủ cũng bày tỏ quan ngại trước tình trạng bạo lực và kêu gọi xét xử những người chịu trách nhiệm.
Một ngày sau vụ đụng độ ở nhà máy Senkata, chính quyền lâm thời của bà Anez tung bản ghi âm cuộc gọi giữa Morales và một người ủng hộ ông tại Bolivia, cáo buộc cựu tổng thống chỉ thị cho người dân chặn nguồn tiếp tế lương thực tới thủ đô. Họ cho rằng chính Morales đã hướng dẫn người ủng hộ này chia đám đông thành 4-5 nhóm nhỏ để đảm bảo phong tỏa các thành phố chính của Bolivia suốt 24 giờ trong ngày.
"Người anh em, đừng để nguồn thực phẩm tới được các thành phố. Chúng ta sẽ thực hiện một cuộc bao vây thực sự. Cuộc chiến sẽ bắt đầu từ bây giờ", người được cho là Morales nói trong đoạn ghi âm.
Đoạn ghi âm còn cho thấy Morales đã lên kế hoạch về nước nếu quốc hội do đảng MAS kiểm soát bác đơn từ chức của ông. "Nếu điều đó xảy ra, tôi sẽ tìm cách nhập cảnh ngay cả khi họ bắt tôi", băng ghi âm có đoạn.
Hiện cựu tổng thống và các chính trị gia đảng MAS chưa xác nhận về cuộc gọi, trong khi những người ủng hộ ông cáo buộc đây là bản ghi âm giả nhằm đánh lạc hướng người Bolivia khỏi cuộc đàn áp bạo lực của chính quyền lâm thời. Bộ trưởng Nội vụ Bolivia Arturo Murillo cho biết họ thu được đoạn ghi âm thông qua các cơ quan tình báo, nhưng từ chối nêu thêm chi tiết.
Bà Anez hôm 14/11 tuyên bố cấm Morales tham gia cuộc bầu cử mới do hiến pháp không cho phép ông tiếp tục tranh cử. Trong cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal hôm 19/11, cựu tổng thống cho biết ông sẵn sàng chấp nhận yêu cầu này nếu có thể quay về Bolivia để điều hành đất nước đến hết nhiệm kỳ, dự kiến kết thúc vào tháng một năm sau.
Morales, cựu lãnh đạo liên minh nông dân trồng coca và từng một thời chăn cừu trên các cao nguyên, hồi tháng 1/2006 lên nắm quyền tại Bolivia, quốc gia có một nửa dân số mang nguồn gốc bản địa. Xuất thân cùng khuynh hướng cánh tả của Morales khiến nhiều người không vừa lòng, đặc biệt là những người Bolivia gốc Âu như bà Anez.
Gần 14 năm Morales cầm quyền là giai đoạn hiếm hoi chính trị Bolivia ổn định và kinh tế tăng trưởng đều, với tỷ lệ nghèo đói giảm từ 60% xuống 35% và GDP bình quân đầu người tăng gần gấp ba.
Việc Morales tìm cách nắm quyền nhiệm kỳ thứ tư khiến phe đối lập tức giận, nhưng ông vẫn giữ được sự ủng hộ đáng kể, đặc biệt trong cộng đồng người nghèo và người bản địa.
Morales dường như đang tìm cách tận dụng lợi thế này khi chỉ trích những chính sách được cho là chống lại người bản địa của bà Anez. "Tôi cảm thấy đau đớn khi chứng kiến những thành tựu gây dựng từ sự hy sinh và nỗ lực của chúng tôi bị hủy hoại. Vấn đề ở đây là khác biệt tầng lớp. Họ không muốn một người bản địa như tôi làm tổng thống", Morales trả lời phỏng vấn New Yorker tại thủ đô Mexico hôm 14/11.
Cựu tổng thống Bolivia cho biết sau khi ông nhậm chức, một số nhóm chính trị cho rằng ông không thể điều hành đất nước và họ sẽ sớm giành lại quyền lực, nhưng rồi nhận ra sai lầm và tìm cách tác động. Năm 2008, phe đối lập kêu gọi trưng cầu dân ý nhưng không thành. Morales sau đó cũng ngăn chặn được một âm mưu lật đổ ông. "Mọi nỗ lực nhằm loại bỏ tôi đều thất bại, nhưng giờ đây những đối thủ đó đã trở lại", Morales nói.
Khi được hỏi về biện pháp giải quyết bất ổn ở Bolivia, Morales nhấn mạnh người dân đang kêu gọi ông trở về, nói thêm rằng phe đối lập đang sợ hãi ông cũng như đám đông. "Họ không muốn tôi tái tranh cử cũng ổn thôi, nhưng hãy để tôi kết thúc nhiệm kỳ. Tôi sẽ về nước bất chấp mọi rủi ro. Chúng tôi là chiến binh và không sợ hãi", ông cho hay.
Morales còn bày tỏ tin tưởng rằng ông sẽ không phải sống lưu vong vĩnh viễn. "Người dân sẽ chiến thắng. Cộng đồng bản địa Bolivia sẽ tiếp tục đấu tranh", ông nói, đồng thời nhắc lại sự việc hồi năm 2002, khi ông bị trục xuất khỏi quốc hội nhưng vẫn trở lại vào năm sau đó.
"Giờ đây, tôi lại bị trục xuất khỏi Bolivia, nhưng sẽ trở lại với hàng triệu người ủng hộ cùng sức mạnh để tiếp tục phụng sự người dân. Không còn nghi ngờ gì về điều này", cựu tổng thống cho hay.
Ánh Ngọc (Theo WSJ, New Yorker)
Xem thêm:
Tổng thống Bolivia để lại di sản hỗn loạn
Thách thức bủa vây Tổng thống lâm thời Bolivia