Trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 10/11, Tổng thống Morales, 60 tuổi, nói ông từ chức "vì lợi ích của đất nước" nhưng thêm rằng "những thế lực hắc ám đã phá hủy nền dân chủ quốc gia", đề cập tới các đối thủ mà ông cáo buộc đang âm mưu đảo chính.
Thông báo của Morales được đưa ra không lâu sau khi tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Bolivia Williams Kaliman kêu gọi ông rời ghế nhằm "giữ ổn định và hòa bình cho đất nước".
Tại thủ đô La Paz, người dân đã đổ xuống đường ăn mừng trước quyết định của Tổng thống Morales. Trước đó, người biểu tình đã chặn nhiều tuyến phố, gây nên tình trạng đình trệ. Bên cạnh Tổng thống, Phó tổng thống Bolivia Alvaro Garcia Linera cũng tuyên bố từ chức.
Tình trạng bất ổn tại Bolivia bùng phát kể từ khi Morales đắc cử nhiệm kỳ thứ 4 hôm 20/10. Phe đối lập cáo buộc có gian lận trong kết quả bầu cử, kêu gọi tổ chức bỏ phiếu lại. Ít nhất ba người đã thiệt mạng và hơn 300 người bị thương trong các cuộc đụng độ giữa phe phản đối chính phủ và phe ủng hộ Morales.
Morales là một trong những nguyên thủ quốc gia giữ chức lâu nhất ở châu Mỹ - Latin với gần 14 năm nắm quyền. Ông chiến thắng cuộc bầu cử đầu tiên bằng chiến dịch tranh cử hứa hẹn về một chính phủ tập trung vào nhu cầu của người nghèo. Tuy nhiên, ông cũng bị cáo buộc lợi dụng hệ thống để thâu tóm quyền lực.
Morales từ chức chỉ vài giờ sau khi hứa sẽ tổ chức bầu cử lại để lấy kết quả thay thế cho cuộc bầu cử trước bị tố cáo là gian lận. Hiện chưa rõ ai sẽ là người đảm nhận chức tổng thống thay Morales bởi tất cả những quan chức có khả năng kế nhiệm ông đều đã từ chức vào hôm qua.
Morales khẳng định ông không có kế hoạch rời đất nước. "Tôi không phải trốn chạy. Tôi muốn người dân Bolivia biết rằng tôi không ăn cướp của ai cả. Nếu ai đó nghĩ chúng tôi ăn cướp, hãy nói ra, hãy trình bằng chứng", ông tuyên bố.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đang theo sát "những sự kiện diễn ra nhanh chóng" ở Bolivia. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho hay ông ủng hộ việc tổ chức một cuộc bỏ phiếu mới và thành lập hội đồng bầu cử mới.
"Nhằm khôi phục uy tín cho quá trình bầu cử, tất cả các quan chức chính phủ hay quan chức từ bất kỳ tổ chức chính trị nào có liên quan đến cuộc bầu cử sai sót ngày 20/10 nên đứng sang một bên", Pompeo nói.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel Bermudez trong khi đó lại chỉ trích cái mà họ gọi là "một cuộc đảo chính" chống lại Morales.
"Chúng tôi lên án chiến lược đảo chính của phe đối lập, thứ đã làm gia tăng bạo lực ở Bolivia, khiến nhiều người chết và hàng trăm người bị thương", Chủ tịch Cuba tweet.
20 thành viên thuộc các cơ quan hành pháp và lập pháp Bolivia đã xin tị nạn tại khu lưu trú của đại sứ quán Mexico ở La Paz, Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard cho biết và thêm rằng Mexico sẽ cấp quyền tị nạn cho Morales nếu ông yêu cầu.
Bolivia, nằm kín trong lục địa ở trung tâm Nam Mỹ, lớn thứ 28 thế giới với diện tích hơn một triệu km, là một trong những nước nghèo nhất Nam Mỹ vì tình trạng tham nhũng cao và hậu quả từ thời thực dân hóa. Dưới thời Morales, kinh tế đất nước hơn 10 triệu dân này tăng trưởng trung bình 5% mỗi năm. Năm 2006, Morales quốc hữu hóa ngành dầu mỏ, dùng tiền để đầu tư cơ sở hạ tầng và giảm đói nghèo. Tuy nhiên, tỷ lệ ủng hộ ông sụt giảm trong những năm gần đây do cáo buộc Morales ưu đãi CAMC, một tập đoàn xây dựng Trung Quốc ở Bolivia do bạn gái cũ của ông nắm vị trí quan trọng. Moarales bác bỏ các cáo buộc.
Vũ Hoàng (Theo Guardian, CNN)