Sau bài viết 'Thuý Kiều phải yếu đuối, Trạng Quỳnh luôn khôn ngoan' nhiều độc giả chia sẻ rằng từng bị điểm thấp, hoặc bị giáo viên phê "chưa hiểu ý tác giả" khi học môn Văn:
Tôi nhớ hồi cấp hai, cấp ba thì học sinh phải học văn mẫu rồi. Việc đó giống như cuộc chiến xem ai học thuộc hơn chứ không phải là tự do sáng tạo bài văn như mình nghĩ. Hồi xưa tôi cũng phân tích bài thơ bằng trí tượng của mình, câu cú rành mạch nhưng lại bị phê không hiểu ý tác giả, phải làm như văn mẫu mới gọi là hiểu.
Khi còn đi học, điểm Văn của tôi không cao. Có một lần, tôi bị điểm bốn vì lý do tự diễn dẫn vô lý, thiếu căn cứ. Lần đó đề là phân tích tác phẩm Nam Quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt, tôi có đoạn nói rằng đây được xem là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc ta, và bị cô phê như trên.
Do tôi có đọc một số tài liệu lịch sử trong tủ sách của ba có đoạn nói như vậy, Sau đó tôi có thắc mắc hỏi lại cô nhưng vẫn bị ăn bốn điểm. Sau này, trường tôi tổ chức một cuộc thi theo mô hình đường lên đỉnh Olympia và có một câu hỏi: Tác phẩm văn học nào được xem là Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc ta, đáp án chính là Nam Quốc Sơn Hà. Lúc đó tôi tìm hỏi thì được biết câu hỏi đó được ra bởi thầy hiệu trưởng khi đó, và thầy là giáo viên dạy Văn và Sử. Thế là tôi có nói lại với thầy thì thầy chỉ cười và nói rằng chuyện qua rồi cho qua đi em, vì điểm văn học kỳ của em vẫn trên trung bình mà và cười.
Độc giả Van chia sẻ:
Con đầu tôi học lớp hai, khi bắt đầu làm những bài tập làm văn ngắn đã được hướng dẫn theo mẫu. Tôi khá hoảng, và nói với cháu nếu cô yêu cầu như vậy, thì viết xong con phải quên hết mấy thông tin đó đi, để dành cảm xúc đó cảm nhận những sự vật và hiện tượng xảy ra hàng ngày xung quanh ta. Và khi vào THCS học trường tư, các bài tập làm văn của cháu luôn được các cô khen là có nhiều cảm xúc, rất mong có một sự đổi mới thật sự trong cách dạy văn cho trẻ nhỏ.
Nhiều độc giả cho rằng văn mẫu chỉ nên dùng để tham khảo, trau đồi vốn từ, học sinh phải dành thời gian nghiền ngẫm tác phẩm để hiểu đúng tinh thần của tác giả:
Đa phần chúng ta học văn nhưng chưa bao giờ dành tâm trí để đọc một tác phẩm thì lấy đâu ra ý tứ cảm thụ để mà viết chứ mà đòi sáng tạo hơn. Trước khi bỏ học, tôi vô cùng ghét môn văn, vì cảm thấy những tác phẩm không còn phù hợp đời sống hiện tại, vì ta không sống ở thời kỳ đó tại sao lại phải cần hiểu họ.
Nhưng sau những biến cố cuộc đời, tôi nhận ra rằng học văn cần rất nhiều trí tưởng tượng. Phải đưa mình về quá khứ, đặt mình vào nhân vật với những quy chế trong xã hội xưa thì mới hiểu đúng tác phẩm chứ không thể lấy cái hiện đại để nói rằng tôi sáng tạo theo tư tưởng hiện đại, bởi kể cả làm phim dẫu có sáng tạo mức nào người ta cũng vẫn phải tôn trọng nguyên tác.
Tác phẩm phản ánh xã hội xưa là để cho mọi người có cơ hội nhìn lại quá khứ cũng như so sánh hiện tại. Luôn có phần này để học sinh nêu suy nghĩ. Sự so sánh này chính là cách để thấy được những thay đổi của xã hội cũng như quý trọng những giá trị mới tốt đẹp. Học sinh hãy dành thời gian nghiền ngẫm đọc bài trước khi nghe giảng thì mọi việc sẽ dễ dàng hơn.
Giáo dục yêu cầu cho học sinh kiến thức nhưng phải cho các em biết ước mơ và sáng tạo. Bằng lòng rằng số bài văn các em viết thì một số rất hay còn một số rất dở. Nhưng dẫu gì nó cũng là sự sáng tạo. Còn theo tôi thấy cứ văn mẫu chỉ để tham khảo chứ đừng dập khuôn máy móc rồi đưa ra đánh giá không chuẩn về bài văn của các em làm.
Trẻ nào có điều kiện về quê thì còn thấy cánh đồng bao la chứ ở Hà Nội chắc tôi chỉ thấy "cánh đồng" khu công nghiệp bao la với nhà ở mọc san sát thôi. Nên bảo các em tả về cánh đồng quê em chắc một số em chỉ có lấy trong văn mẫu ra tả. Đừng làm những gì quá cứng nhắc, hãy để các em được tư duy sáng tạo và mơ ước. Có đánh giá thì nên đứng vào vị trí của học sinh, những người làm văn.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.