1. Gà rang gừng
Bình dân, đơn giản nhất trong tiết trời se lạnh là món gà rang gừng. Với những người thuộc thế hệ 8X trở về trước, món gà rang gừng gắn với nhiều kỷ niệm nghèo khó thời bao cấp.
Món gà rang gừng truyền thống không dùng nước mà rang khô, cũng không ướp đường hay nước hàng. Nước và mỡ từ thịt gà tiết ra bóng mướt, vàng óng quyện với gừng dậy lên mùi thơm đặc trưng. Chọn gà mái ta để làm món này là ngon nhất.
=>> Xem cách làm: Gà rang gừng
2. Phở gà
Bên cạnh phở bò thì phở gà cũng là nét ẩm thực riêng của người Hà Nội. Nước dùng từ phở gà truyền thống được hầm từ xương gà ngọt thanh, mùi hương nhẹ từ hạt mùi rang (hoặc thay thế bằng rễ mùi). Theo thời gian và khẩu vị, một số người thêm quế, hoa hồi để dậy mùi hơn.
Một bát phở gà nóng hổi với thịt gà chắc béo, bánh phở trắng mỏng, mềm dẻo, điểm xuyết hành hoa chẻ, hành lá, rau mùi nhanh chóng thu hút từ ánh mắt đầu tiên.
=>> Xem cách làm: Phở gà
3. Gà hấp lá sen
Gà hấp lá sen (Steamed Chicken in Lotus Leaf) là món ăn khá phổ biến ở nhiều nước châu Á. Nếu như ở các phiên bản khác, phần nguyên liệu cầu kỳ, gói lá sen kho nên át mùi thơm của thịt gà, thì với gà hấp lá sen phong cách Việt giữ phần mộc nên thịt ngọt tự nhiên.
Thịt gà chín mềm, mọng nước mà không bị khô như gà luộc; hạt sen bùi bùi, nấm hương thơm, đặc biệt lưu dấu hương thơm từ lá sen còn vương mùi thơm từ cánh sen. Tất cả quyện lại như một giai điệu ngọt ngào. Món ăn này rất tốt cho cơ thể người mới ốm dậy hoặc suy nhược cơ thể.
=>> Xem cách làm: Gà hấp lá sen
4. Thịt gà nấu đông
Cùng với thịt lợn nấu đông thì gà nấu đông là món truyền thống trong mâm cỗ ngày Tết của người dân miền Bắc. Thịt gà mềm, mộc nhĩ sần sật, nấm hương thơm quyện vào nhau trong lớp đông sương trong, mềm mướt, khi ăn như tan ra trong miệng. Món này ăn cùng cơm trắng cùng dưa cải muối chua hoặc dưa hành rất ''hao''.
=>> Xem cách làm: Thịt gà nấu đông
5. Gà nướng Tây Bắc
Đây là món ăn đặc trưng của đồng bào Thái vùng Tây Bắc. Khi nướng chín, thịt gà ươm vàng, dậy mùi thơm đặc trưng của mắc khén, hạt dổi, vị ngọt đượm xen kẽ chút cay cay của mắc khén như đánh thức mọi giác quan. Tùy theo khẩu vị và điều kiện, có 2 kỹ thuật nướng: Cách 1 truyề thống của đồng bào Thái là sau khi gói lá dong hoặc lá chuối sẽ đắp/bọc kín đất sét bên ngoài rồi đem nướng để giữ vị ngọt tự nhiên bên trong gà. Còn cách 2 là nướng giòn (không bọc lá hay giấy bạc), nướng trực tiếp trên than hoa hoặc lò nướng.
=>> Xem cách làm: Gà nướng Tây Bắc chấm chẩm chéo
6. Gà nấu hành tăm xứ Nghệ
Hành tăm (củ nén) là gia vị đặc trưng trong ẩm thực của người Nghệ An. Theo Đông y, hành tăm có vị cay, tính ấm, tác dụng tiêu đờm, giảm ho, giải độc, sát khuẩn. Món gà nấu hành tăm vừa đơn giản lại vừa có tác dụng chữa bệnh, tốt cho giải cảm. Cách nấu của người dân xứ Nghệ giữ vị mộc khi chỉ ướp và nêm muối hạt để giữ vị ngọt mộc của gà.
=>> Xem cách làm: Gà nấu hành tăm xứ Nghệ
7. Phở gà trộn
Tận dụng phần gà luộc còn dư để làm món phở gà trộn đổi vị. Phở trộn hài hòa vị chua ngọt mặn, thịt gà dai giòn, lạc rang bùi bùi, hành phi, rau thơm. Cuối cùng rưới nước sốt xì dâu, trộn đều và thưởng thức vị ngon ngọt quyện đều trong từng miếng thịt, sợi bánh phở. Để đỡ khô, ăn phở trộn kèm bên canh là bát nước dùng từ nước luộc gà nóng hổi thêm chút hành lá.
=>> Xem cách làm: Phở gà trộn
Bùi Thủy