1. Canh cua rau đay mồng tơi
Theo Đông y, cua đồng có vị mặn, tính hàn, có tác dụng sinh phong liền gân nối xương, dùng hạ nhiệt, giải độc. Một bát canh cua ngọt mát với thịt cua đóng tảng, rau xanh mướt vừa giúp giải nhiệt, vừa kích thích vị giác, dễ tiêu hóa trong thời tiết oi bức ngày hè.
Để có bát canh cua ngon, cần lưu ý một số bí quyết: Nên giã cua bằng tay cùng chút muối giúp protein kết dính, khi nấu thịt cua đóng tảng. Giã và lọc kỹ nhiều lần sẽ lấy được nhiều thịt cua hơn. Không nên lọc qua rây vì phần thịt cua bám vào. Cua đực thường cho nhiều thịt, còn cua cái thì nhiều gạch.
=>> Xem cách làm: Canh cua rau đay mồng tơi
2. Thịt rang cháy cạnh
Món ăn bình dân này dễ chiều lòng người nhất vào ngày hè mà nguyên liệu và cách làm lại đơn giản. Từng miếng thịt ba chỉ xém cạnh đậm đà vị mặn ngọt, dậy mùi thơm của hành khô, hành lá thơm lừng, ăn cùng canh cua, cà pháo thì ''đánh bay'' nồi cơm trong nốt nhạc.
Một số bí quyết để có món thịt rang cháy cạnh ngon: Nên chọn phần ba chỉ nạc mỡ đan xen, liền một khối, không bị long. Thái miếng vừa ăn, không nên thái mỏng quá vì khi rang sẽ bị teo lại. Không ướp gia vị trước, mà rang cho thịt cháy cạnh rồi mới nêm nếm gia vị vào sau.
=>> Xem cách làm: Thịt rang cháy cạnh
3. Cà pháo muối
Cà pháo muối là món ăn mộc mạc trong ngày hè của nhiều gia đình Việt. Từ xưa, ở miền Bắc có câu ''Tương cà gia bản'' để nét truyền thống riêng mỗi gia đình làm tương, muối cà có khéo không. Để rồi ai đi xa đều nhớ ''Anh đi, anh nhớ quê nhà/Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương''.
Ngày hè, chỉ cần dăm bảy quả cà muối ăn cùng canh cua rau đay thì ''thủng nồi trôi rế'', dẫu sơn hào hải vị cũng không sánh bằng.
4. Rau muống xào tỏi
Theo Đông y, rau muống có vị ngọt, tính hơi hàn, đi vào các kinh tâm, can, tiểu trường, đại trường, có tác dụng thanh nhiệt, lợi thủy, giải độc... Vào mùa hè, rau muống được xem là ''vị thuốc dân dã' bởi giúp giải nhiệt với nhiều món ngon, trong đó có rau muống xào tỏi.
Một đĩa rau muống xanh non, mềm mướt, dậy mùi thơm của tỏi, chút giòn giòn từ tóp mỡ kích thích vị giác và rất ''hao cơm''. Chú ý chọn rau muống nước thì cọng sẽ mềm xanh hơn khi xào. Tùy theo khẩu vị mỗi vùng miền, một số nơi thêm rau kinh giới, rau ngổ vào xào cùng tạo nên hương vị riêng.
=>> Xem cách làm: Rau muống xào tỏi
5. Đậu phụ rán
Đậu phụ rán vỏ ngoài vàng ruộm, căng phồng, bên trong béo mềm mại như tan ra chấm cùng mắm tôm - giản dị vậy thôi mà ai cũng dễ bị "nghiện". Để rán đậu ngon, chú ý một số bí quyết: Ngâm đậu phụ vào nước muối pha loãng. Sau đó, vớt ra thấm khô cho vào ngăn đá tủ lạnh tầm 30 phút để tạo khối vuông vắn, cắt miếng vừa ăn.
Đun nóng chảo rồi mới cho dầu ăn và chút mỡ lợn hoặc mỡ gà vào cho thơm. Khi thử đầu đũa thấy sủi tăm là đạt nhiệt độ nóng mới cho đậu vào chiên ở lửa vừa. Nên chia các mẻ, đừng để các miếng đậu dính vào nhau hoặc nhiều quá. Lật trở 2 mặt để đậu chín vàng đều.
6. Thịt luộc
Mùa hè nóng nực nên các món luộc, canh chua luôn được ưu ái trong thực đơn, trong đó phổ biến nhất là thịt luộc. Để thịt luộc thơm ngon, cần chần sơ để loại bỏ tạp chất.
Khi luộc thì đổ nước ngập, thêm vài củ hành khô đập dập, lát gừng cùng chút muối và hạt nêm giúp thịt thơm. Thời gian luộc thịt từ luộc 15 - 20 phút tùy khối lượng thịt to hay nhỏ. Tắt bếp ngâm thịt từ 8 - 10 phút để cho thịt ngậm nước ngọt thơm hơn.
=>> Xem cách làm: Thịt luộc
7. Vịt om sấu
Cứ vào độ cuối tháng 5 đầu tháng 6 là mùa "vịt chạy đồng" sau đợt thu hoạch lúa nên vịt mót lúa ăn vì thế thịt săn chắc, ngọt béo "ngon từ gốc tới ngọn". Theo Đông y, thịt vịt có tính hàn, giàu chất đạm, vị ngọt, rất tốt cho sức khỏe.
Món vịt om sấu đặc trưng trong mâm cơm mùa hè miền bắc. Thịt vịt mềm béo đậm đà, nước dùng chua thanh từ sấu quyện mùi thơm của sả như bản giao hưởng đẹp trong thực đơn ngày nóng nực.
=>> Xem cách làm: Vịt om sấu
8. Tôm rang
Tôm vỏ săn giòn tươm mỡ, màu đỏ au quyện với thịt ba chỉ béo ngậy, dậy mùi thơm của hành, vị mặn ngọt hài hòa. Đây là món ăn gắn liền với tuổi thơ của nhiều người.
Để có món tôm rang ngon, chú ý không nên ướp gia vị trước cho tôm và thịt, vì khi rang lửa lần 1 vị mặn sẽ làm thực phẩm tiết nước, lâu khô. Rang tôm qua 2 lần lửa (lần 1 ráo nước, lần 2 nêm gia vị và quyện cùng thịt ba chỉ tươm mỡ) sẽ làm cho món ăn tròn vị, đậm đà mà không bị khô. Nếu muốn tìm về hương vị xưa thì thay thịt ba chỉ bằng tóp mỡ cũng rất ngon.
=>> Xem cách làm: Tôm rang
Bùi Thủy