1. Canh cua rau rút, khoai sọ
Đây là một trong những món ngon dân dã ngày hè của Hà Nội. Một bát canh với khoai sọ chín mềm, thịt riêu cua béo ngậy, đóng tảng, rau rút giòn, rau muống xanh mềm, thêm vài quả cà pháo rất đẩy đưa vị giác cho ngày nóng.
Chú ý: Cua giã tay sẽ ngon hơn cua xay, khi giã cua nên cho chút muối, giúp cho protein kết dính, thịt dẻo và tạo tảng khi nấu. Giã càng kỹ và lọc nhiều lần sẽ lấy được nhiều thịt và riêu, khi nấu đúng cách sẽ nổi tảng. Không nên mua cua cái lúc đang sinh sản vì nước tanh và gầy, cũng không nên chọn cua còn bé non gây mùi hôi.
=>> Xem chi tiết: Canh rau rút, khoai sọ
2. Canh trai nấu rau răm
Theo Đông y thịt trai tính hàn nên có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, tiêu khát. Bởi thế, mùa hè các chị em nội trợ thường ưu tiên trai cho các món canh giải nhiệt. Một bát canh trai nấu rau răm với thịt trai giòn ngọt tự nhiên, thoảng chút chua nhẹ, thơm mùi hành răm - giản dị vậy thôi mà bao nhiêu món ngon vật lạ đều nhường chỗ.
Lưu ý nếu muốn thêm vị chua thì thêm muỗm, thanh trà vì như thế nước canh sẽ trong, thanh. Khi xào trai nên xào nhanh trên lửa lớn, múc ra để riêng cho vào khi nước canh sôi. Không nên xào trai quá lâu sẽ làm cho thịt dai, teo lại.
=>> Xem chi tiết: Canh trai nấu rau răm
3. Canh don nấu mồng tơi
Con don (con dắt) sống vùi trong cát, vỏ mỏng, hình tựa quả trám nhưng chỉ dài 1-2 cm, có nhiều ở các vùng biển. Don mang tính hàn, vị ngọt tự nhiên, don có tác dụng lợi tiểu, thông khí, mát gan, giải nhiệt tốt.
Một bát canh don nấu mồng tơi với thịt don ngọt thanh xen lẫn màu xanh mướt của rau mồng tơi làm nên món canh nổi tiếng ở Tiền Hải, Thái Bình nói riêng và nhiều vùng trong cả nước vào ngày hè nói chung.
=>> Xem chi tiết: Canh don nấu mồng tơi
4. Canh ngao nấu dứa
Canh ngao thanh mát với thịt ngao mềm, đan xen vị ngọt thanh từ dứa và vị chua từ sấu giúp cho bữa cơm trở nên tròn vị hơn. Chú ý không nên xào ngao vì xào thịt bị dai, khô. Chỉ lấy khoảng 1/2 nước luộc ngao cho vào nước canh, và thêm nước lạnh vì nếu cho nhiều nước ngao quá sẽ có vị chát.
Để tạo vị chua, nếu không có sấu thì bạn có thể thay bằng quả dọc, quả thanh trà, khế hoặc dấm bỗng.
=>> Xem chi tiết: Canh ngao nấu dứa
5. Canh hoa chuối móng giò
Theo Đông y, hoa chuối vị ngọt, tính lạnh, có công dụng bình can tiêu ứ, thông kinh hoạt lạc... Canh hoa chuối móng giò không chỉ tốt cho phụ nữ sau sinh mà còn bồi bổ trong những ngày đầu hè oi bức.
Bát canh màu trắng sữa điểm xuyết vài lát cà chua đỏ, thịt móng giò mềm nhưng vẫn giữ độ sần sật, hoa chuối ngọt mềm rất hài hòa vị, như đánh thức mọi giác quan.
=>> Xem chi tiết: Canh hoa chuối móng giò
Bùi Thủy