Bánh Kek Lapis Sarawak, còn gọi là bánh ngàn lớp Sarawak ra đời ở bang Sarawak vào khoảng những năm 1970, lấy cảm hứng từ những chiếc bánh ngọt Spit Cake của châu Âu. Nổi tiếng với vẻ ngoài độc đáo như kính vạn hoa và quá trình làm bánh cầu kỳ, đây được xem là một kiệt tác nghệ thuật của ẩm thực Malaysia nói riêng và châu Á nói chung.
Nguyên liệu chủ yếu của bánh là bơ, bột mì, trứng như những chiếc bánh thông thường khác, kết hợp cùng các loại gia vị gồm bạch đậu khấu, quế, đinh hương, hoa hồi... Lớp vỏ ngoài bánh có màu đơn giản, bao bọc lấy phần nhân bên trong với vô vàn màu sắc được sắp xếp rất tinh tế thành các hoa văn hình học. So sánh với loại bánh ngàn lớp Betawi của người Indonesia, bánh Sarawak của Malaysia được nâng lên thành một nghệ thuật với độ phức tạp và màu sắc phong phú hơn nhiều.
Làm một chiếc bánh Sarawak phải mất 4-8 tiếng, phụ thuộc vào độ phức tạp của thiết kế và tay nghề của thợ. Người làm bánh ngoài khéo léo, kiên nhẫn còn cần có óc tính toán và khả năng sáng tạo mạnh mẽ. Toàn bộ quá trình được làm hoàn toàn bằng tay, bắt đầu bằng việc nướng bánh trong chảo sâu. Các lớp bột màu dần dần được thêm vào trong lò, mỗi lớp mất khoảng 10 phút. Nhưng đó chỉ mới là một nửa "cuộc chiến". Công đoạn khó khăn nhất nằm ở việc "lắp ráp" các lớp vỏ bánh xốp mềm với nhau bằng chất kết dính là mứt hoặc sữa đặc.
Vì quá kỳ công và mất nhiều thời gian hoàn thiện nên Kek Lapis Sarawak được xếp vào hàng những chiếc bánh khó làm nhất ngay cả với các đầu bếp chuyên nghiệp. Bất kỳ nguyên liệu nào được thêm vào cũng có thể ảnh hưởng đến thiết kế của bánh. "Bạn luôn phải suy nghĩ khi làm loại bánh này. Như với bánh vị Cadbury, bạn cần biết cách đặt chocolate vào chính giữa bánh nếu không nó sẽ bị vỡ. Đó thực sự là một thách thức. Chỉ một sai lầm nhỏ là cả chiếc bánh sẽ đi tong", thợ làm bánh tại nhà Olivia Anak Edward chia sẻ.
Sarawakian Jennifer Chen, một nghệ nhân làm bánh Sarawak từ những năm 80 cho biết để làm ra chiếc bánh hoàn hảo thì người thợ nào cũng phải gặp không ít lần thất bại, ngay cả với một người có thâm niên như Chen. Cô thường tự thiết kế các mẫu bánh trên giấy trước khi bắt tay vào thực hiện và lưu lại những bản vẽ để dùng về sau.
Món bánh cổ truyền độc đáo này cũng được xếp vào hàng món bánh ngọt tráng miệng đắt nhất Malaysia với giá 250 RM (khoảng 1,4 triệu đồng)/cái. Ngoài công sức làm bánh thì nguyên liệu tạo độ mịn cho bánh chính là một trong những nguyên nhân khiến thức quà này được bán với giá đắt đỏ.
Trước đây, bánh ngàn lớp Sarawak chỉ được làm vào những ngày lễ lớn như hội mùa Gawai Dayak hay lễ kết thúc tháng ăn chay Hari Raya. Ngày nay, nó được bán quanh năm trong các dịp sinh nhật, đám cưới. Sức hấp dẫn của những chiếc bánh rực rỡ đang nhanh chóng lan tỏa, được đánh giá cao ở cả Malaysia và nước ngoài.
Yến Nhi tổng hợp